Có nhiều loại thuốc chữa đau vai gáy cổ khác nhau, từ Tây Y tới Đông Y, từ thuốc uống đến thuốc bôi, kê đơn hoặc không kê đơn. Vậy cụ thể các loại thuốc này như thế nào và cần lưu ý gì khi sử dụng?
Thuốc Tây chữa đau vai gáy cổ
Đau vai gáy uống thuốc gì?
Có nhiều loại thuốc chữa đau vai gáy cổ khác nhau, chúng có ở dạng viên nén, viên nang, dạng lỏng, kem bôi. Tuy nhiên, về cơ bản, để chữa đau vai gáy, người ta thường dùng các loại thuốc dưới đây:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID);
- Acetaminophen (Paracetamol);
- Thuốc chống trầm cảm;
- Thuốc chống co giật;
- Thuốc giãn cơ;
- Opioids;
- Steroid;
- Các loại thuốc giảm đau tại chỗ: Capsaicin, thuốc đối kháng, chất gây tê,…
Năm 1986, WHO đề xuất thang 3 bậc dùng cho điều trị đau trong ung thư. Sau đó, công thức này được ứng dụng để điều trị đau do nhiều nguyên nhân khác:
- Điều trị đau nhẹ (bậc 1, điểm 1 đến 3): Thuốc không Opioid (NSAID hoặc Acetaminophen), có hoặc không phối hợp các loại thuốc hỗ trợ.
- Điều trị đau vừa (bậc 2, điểm từ 4 đến 6) hoặc đau dai dẳng/tăng lên: Opioids nhẹ như codeine, tramadol, hydrocodone, oxycodone; có hoặc không thuốc không Opioids, thuốc hỗ trợ.
- Điều trị đau nặng (bậc 3, điểm từ 7 đến 10) hoặc đau dai dẳng/tăng lên: Opioids mạnh như Morphine, oxycodone, hydromorphone, fentanyl, methadone; có hoặc không thuốc không opioid, thuốc hỗ trợ.
- Các loại thuốc hỗ trợ: thuốc chống trầm cảm, thuốc giãn cơ, thuốc chống động kinh, thuốc gây tê, steroid…
Phần dưới đây chúng ta cùng đi tìm hiểu kỹ hơn về các loại thuốc này.
NSAID
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có tác dụng giảm đau ở liều thấp và kháng viêm ở liều cao. Nó đáp ứng tốt với đau vai gáy cảm thụ và không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với đau vai gáy có nguồn gốc thần kinh. NSAID có ở cả dạng không kê đơn và kê đơn.
Cơ chế hoạt động của NSAID là ức chế hoạt động của các enzyme cyclooxygenase (COX-1 hoặc COX-2, từ đó làm giảm sản xuất prostaglandin, gây ra viêm, sốt và đau. Có hai loại NSAID khác nhau, gồm NSAID không chọn lọc (ức chế hoạt động của cả COX-1 và COX-2) và NSAID chọn lọc COX-2. Hai loại này có cơ chế hoạt động tương tự nhau nhưng NSAID chọn lọc có ít tác dụng phụ trên đường tiêu hóa hơn.
Các loại NSAID thường được sử dụng để điều trị đau cổ vai gáy là:
- Aspirin (Bayer, Bufferin và Ecotrin, St. Joseph);
- Ibuprofen (Advil, Motrin);
- Naproxen (Aleve, Anaprox DS, Naprosyn);
- Celecoxib (Celebrex)
- Ketorolac được dùng dưới dạng thuốc tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp;
- Diclofenac có sẵn dưới dạng gel (Voltaren), miếng dán (Flector) hoặc dung dịch (Pennsylvaniaaid).
Tác dụng phụ thường gặp của NSAID. Đau dạ dày, loét dạ dày, chảy máu dạ dày, tổn thương thận, các rủi ro liên quan đến tim, phản ứng dị ứng (sưng ở mặt, khò khè, phát ban, nổi mẩn da),…
Các rủi ro này tăng lên theo thời gian sử dụng. Vì thế, cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ khuyến cáo những người dùng NSAID không kê đơn trong hơn 10 ngày phải gặp bác sĩ.
Acetaminophen
Acetaminophen là một trong những loại thuốc giảm đau không kê đơn phổ biến nhất. Nó được chỉ định trong các hội chứng đau thông thường (đau răng, đau đầu, đau khớp, đau cơ), đau do viêm thoái hóa khớp háng, khớp gối.
Acetaminophen hoạt động bằng cách ngăn chặn việc truyền tín hiệu đau đến não.
Nó có thể được sử dụng độc lập hoặc kết hợp với các loại thuốc giảm đau khác hoặc có trong những loại thuốc giảm đau hỗn hợp (được bán dưới dạng kê đơn).
Tác dụng phụ thường gặp của Acetaminophen. Suy gan cấp tính. Dùng liều cao dài ngày có thể gây độc cho thận.
Thuốc chống trầm cảm
Ngoài việc để điều trị trầm cảm, thuốc chống trầm cảm còn được sử dụng để trị đau mãn tính. Có 5 nhóm thuốc chống trầm cảm, gồm:
- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCAs): Amitriptyline (Amitril, Elavil),
Desipramine (Norpramin), Imipramine Tofranil), Nortriptyline (Aventyl, Pam Bachelor). - Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRIs): Citalopram (Celexa), Escitalopram Lexapro), Fluoxetine (Prozac), Paroxetine (Paxil, Pexeva), Sertraline (Zoloft).
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và noradrenalin (SNRIs): Venlafaxine (Effexor), Duloxetine (Cymbalta)
- Thuốc chống trầm cảm noradrenergic và serotoninergic (NaSSAs): Mirtazapine, Bupropion, Trazodone, Nefazodone
- Thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs): Phenelzine, Isocarboxazid, Tranylcypromine.
Tác dụng phụ. Tùy thuộc vào nhóm thuốc sử dụng. Thường gặp là: Mờ mắt, tăng cân, buồn ngủ hoặc mất ngủ, kích động, buồn nôn, đau đầu, chán ăn, nguy cơ tăng huyết áp,…
Thuốc chống co giật (thuốc chống động kinh)
Một số loại thuốc chống động kinh được sử dụng để điều trị đau cổ vai gáy có nguồn gốc thần kinh. Chúng được phân biệt thành 2 nhóm:
- Nhóm 1: Tác động thông qua điều biến hoạt động của các kênh natri phụ thuộc điện thế. Gồm: Phenytoin, Carbamazepine, Oxcarbazepine, Lamotrigine, Topiramate.
- Nhóm 2: Tác động bằng cơ chế khác. Gồm: Gabapentin, Tiagabine, Divalproex sodium & Valproic acid, Pregabalin.
Thuốc này chỉ có ở dạng kê đơn. Để sử dụng thuốc hiệu quả, cần phải thăm dò từ từ xem loại nào phù hợp và cần có sự hợp tác tốt giữa thầy thuốc – bệnh nhân. Đặc biệt, bác sĩ cần nhấn mạnh sự cần thiết “phải dùng thử thuốc mới chọn lọc được loại thuốc phù hợp nhất”.
Tác dụng phụ thường gặp của thuốc chống co giật bao gồm: đau ngực, táo bón, nhầm lẫn, buồn ngủ, buồn nôn, các vấn đề về tim và phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Thuốc chống co giật không được khuyên dùng cho phụ nữ mang thai.
Thuốc giãn cơ
Thuốc giãn cơ không phải là một nhóm thuốc có cùng cấu trúc hóa học hoặc hoạt động theo một cùng một cách trong não. Thuật ngữ này được sử dụng để mô tả các nhóm thuốc có vai trò là thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương và có đặc tính giãn cơ, an thần cơ xương.
Thuốc giãn cơ thường được sử dụng để điều trị đau vai gáy liên quan đến vấn đề cơ xương khớp. Thuốc giãn cơ có tác dụng:
- Giảm co thắt cơ xương
- Giảm đau
- Tăng khả năng vận động của các cơ bị ảnh hưởng
Thuốc này chỉ có ở dạng kê đơn.
Một số loại thuốc giãn cơ thông thường là:
- Carisoprodol (Soma);
- Clorzoxazone (Lorzone);
- Cyclobenzaprin (Amrix, Fexmid, FlexePax Kit, FusePaq Tabradol);
- Dantrolene (Dantrium);
- Metaxalone (Skelaxin, Metaxall, and Metaxall CP, Lorvatus PharmaPak);
- Methocarbamol (Robaxin, Robaxin-750);
- Tizanidine (Comfort Pac with Tizanidine, Zanaflex).
Tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng các loại thuốc giãn cơ: ngứa, nổi ban đỏ, phát ban và đặc biệt là ban với mụn và bóng nước, nổi mề đay, phù mặt, sốc phản vệ,…
Opioids
Opioids là thuốc có nguồn gốc từ cây thuốc phiện hoặc được tổng hợp. Nhóm thuốc này làm thay đổi nhận thức về cơn đau bằng cách làm suy yếu tín hiệu đau đến não. Thuốc có sẵn ở dạng uống, tiêm hoặc miếng dán giảm đau.
Tất cả các loại thuốc Opioids đều yêu cầu toa thuốc.
Mỗi loại Opioids khác nhau về sức mạnh và công dụng. Về cơ bản, có thể chia thành:
- Thuốc giảm đau opioid yếu: codeine, tramadol (ConZip, Synapryn, Rybix ODT, Ryzolt, Ultram, Ultram ER), hydrocodone (Hysingla ER, Lortab, Norco, Vicodin, Zohydro ER), oxycodone (OxyContin, Xtampza ER, Roxicodone, Percocet, Percodan).
- Thuốc giảm đau opioid mạnh: Morphine (Kadian, MS Contin, Embeda, MorphaBond, Roxanol), oxycodone (OxyContin, Xtampza ER, Roxicodone, Percocet, Percodan), hydromorphone (Dilaudid, Exalgo), fentanyl (Actiq, Abstral, Duragesic, Fentora, Lazanda, subsys), methadone.
Rủi ro khi sử dụng Opioids. Tác dụng phụ của Opioids có xu hướng tăng lên khi dùng liều cao. Những tác dụng phụ điển hình là: táo bón, khô miệng, đau dạ dày, làm tăng vấn đề ở tim và phổi, chứng ngưng thở khi ngủ, phụ thuộc vào thuốc…
Opioids cũng có nguy cơ bị lạm dụng và lạm dụng tương đối cao, vì thế bệnh nhân sử dụng Opioids cần phải được theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ.
Steroid
Corticosteroid hay steroid là một loại thuốc giúp chống viêm mạnh mẽ. Nó hoạt động tương tự hormone cortisol do tuyến thượng thận tiết ra. Cortisol giúp cầm giữ hoạt động của hệ miễn dịch bằng cách tạo ra các chất chống viêm, từ đó làm chậm hoặc ngừng khởi phát quá trình viêm của hệ miễn dịch. Thuốc được chỉ định cho nhiều loại đau như: Đau lưng, đau cổ, viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp, đau dây thần kinh,…
Corticosteroid có ở nhiều dạng khác nhau, như: viên uống, dịch lỏng, dạng hít, tiêm, kem bôi, truyền tĩnh mạch. Ở dạng uống, steroid có thể được sử dụng như một cầu nối tạm thời để chiến lược kiểm soát cơn đau được tốt hơn.
Một số loại thuốc trong nhóm này là: prednison, betamethasone (Celestone), methylprednisolone (Depo-Medrol, Medrol), triamcinolone (Kenelog).
Chú ý khi sử dụng steroid. Steroid không gây ra tác dụng phụ đáng kể nếu chúng được sử dụng trong một thời gian ngắn hoặc ở liều thấp. Một số tác dụng phụ điển hình khi sử dụng thuốc là tăng sự thèm ăn, thay đổi tâm trạng, khó ngủ, mụn, tăng sự phát triển lông trên cơ thể, mặt sưng, kích ứng dạ dày, yếu cơ,…
Tuy nhiên steroid cũng có khả năng gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng, vì thế bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.
Thuốc giảm đau tại chỗ
Thuốc giảm đau tại chỗ là thuốc có dạng kem bôi, gel hoặc miếng dán. Được sử dụng để bôi, dán ngoài da. Chúng có sẵn ở cả dạng kê đơn và theo toa. Thuốc giảm đau tại chỗ thường được khuyến nghị để làm giảm đau cục bộ, các cơn đau khớp hoặc đau cơ.
Một số loại thuốc giảm đau tại chỗ là:
- Capsaicin. Nếu đau vai gáy do viêm xương khớp hay đau cơ xơ hóa, có thể sử dụng capsaicin.
- Thuốc đối kháng. Như Icy Hot, Gold Bond, là thuốc chứa các chất phản ứng gây ra cảm giác nóng hoặc lạnh do các thành phần như tinh dầu bạc hà, cây bạch đàn mang lại.
- Chất gây tê. Lidocaine là một chất gây tê cục bộ tạm thời, giúp giảm thiểu cơn đau ở khu vực được bôi. Nó thường được sử dụng cho viêm khớp và các điều kiện cơ xương khớp khác. Nó có sẵn dưới dạng miếng dán 5% theo toa (ví dụ: Lidoderm) và dạng miếng dán 4% không theo toa (ví dụ Salonpas).
Lưu ý
Tất cả các loại thuốc uống, bao gồm cả thuốc không kê đơn, đều có rủi ro và tác dụng phụ. Vì thế, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kì loại thuốc nào.
Thuốc giảm đau tại chỗ phải luôn được thử nghiệm trước trên một khu vực nhỏ của da, vì một số loại có thể gây kích ứng hoặc một số người có thể bị dị ứng hay nhạy cảm với các thành phần của thuốc.
Thuốc Đông Y trị đau vai gáy
Đông Y phân loại đau vai gáy thành nhiều thể với các nguyên nhân khác nhau. Ở mỗi thể lại có những bài thuốc điều trị riêng.

Đau vai gáy do phong hàn “nhiễm lạnh”
Biểu hiện: Bệnh khởi phát sau khi bệnh nhân bị nhiễm lạnh, xoa dầu hoặc chườm ấm thấy người dễ chịu. Gặp lạnh bệnh tăng, có khi ớn lạnh phát sốt, đau đầu, đau gáy dọc vai lưng.
Phép trị chủ yếu: Khử phong hàn thấp, thông kinh lạc, thư cơ.
Bài thuốc Quế chi gia cát căn thang gia: quế chi 24g, bạch thược 24g, cam thảo 8g, đại táo 12g, cát căn 16g, khương hoạt 10g, khương hoàng 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Đau vai gáy do sang thương huyết ứ
Biểu hiện: Bệnh nhân bị đau nhói vùng cổ, sau gáy lan xuống vai tay. Bệnh khởi phát sau chấn thương, vận động quá mức hoặc ngủ gối quá cao, ngủ không trở mình.
Phép trị chủ yếu: Hoạt huyết thông ứ.
Bài thuốc Quyên tý thang gia giảm: đương quy 14g, xuyên khung 14g, hoàng kỳ 14g, khương hoạt 8g, khương hoàng 14g, nhũ hương, phòng phong 8g, tang chi 14g, đan sâm 14g, cam thảo 6g, đại táo 3 quả. Sắc uống ngày 1 thang.
Đau vai gáy do huyết hư nhiễm phong hàn thấp tý
Biểu hiện: Bệnh nhân bị đau vai gáy do gân xương yếu, khí huyết hư, vận động ít, tê mỏi chân tay. Thường gặp ở người lớn tuổi, tái phát nhiều lần.
Phép trị chủ yếu: Khu hàn trừ thấp, ích can thận.
Bài thuốc Tam tý thang gia giảm: thục địa 20g, đương quy 14g, xuyên khung 14g, bạch thược 14g, nhân sâm 12g, bạch truật 12g, phục linh 14g, hoàng kỳ 14g, nhục quế 6g, đỗ trọng 14, khương hoàng12g, tục đoạn 12g, tế tân 6g, tần giao 12g, khương hoạt 10g, phòng phong 8g, chích thảo 6g, đại táo 12g.
Lưu ý khi sử dụng
Các bài thuốc chữa đau vai gáy cổ phía trên đã được gia giảm và sử dụng hiệu quả, hầu như không có tác dụng phụ. Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau khi sử dụng:
- Cần tìm mua các vị thuốc tại những địa điểm uy tín, được cấp giấy phép họat động. Bởi nếu mua phải hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, được rao bán tràn lan thì rất có thể sẽ mua phải thuốc đã bị ép kiệt chất, nhập từ Trung Quốc, hoặc thuốc bị trộn nhiều loạt biệt dược nguy hiểm, các chất bảo quản không tốt cho sức khỏe.
- Những trường hợp đau nặng, tái phát nhiều lần nên đi khám chuyên khoa để có phương pháp điều trị thích hợp.
- Để được thăm khám chữa đau vai gáy theo phương pháp Đông Y, bạn có thể tới các bệnh viện chuyên về y học cổ truyền trên cả nước, tránh tới các phòng khám hoạt động chui, hoạt động không giấy phép. Một số bệnh viện y học cổ truyền có thể kể tới là: Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Bệnh Viện Y Học Cổ Truyền TP.HCM, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công An, Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam,…
Tổng kết
Có nhiều loại thuốc chữa đau vai gáy khác nhau, mỗi loại lại có những cách sử dụng và cơ chế hoạt động riêng. Để sử dụng thuốc đúng, hiệu quả và an toàn, bạn nên tuân thủ đúng hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về rồi sử dụng bừa bãi, sử dụng theo ý thích.
Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không thay thế bất kì chẩn đoán y khoa chuyên nghiệp nào.
Nguồn bài viết:
- https://suckhoedoisong.vn/bai-thuoc-hay-tri-dau-vai-gay-n107452.html
- https://suckhoedoisong.vn/bai-thuoc-chua-dau-vai-gay-n25202.html
- Tiếp cận thực hành hội chứng đau – BS. Lê Minh (Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh và Bệnh viện Y dược TP. Hồ Chí Minh; Đại học Y Phạm Ngọc Thạch)
- https://www.benhvien103.vn/vietnamese/bai-giang-chuyen-nganh/dot-quy/tong-quan-chan-doan-va-dieu-tri-dau/1481/
- https://www.spine-health.com/treatment/pain-medication/nsaids-non-steroidal-anti-inflammatory-drugs
- https://www.spine-health.com/treatment/pain-medication/acetaminophen-back-pain
- https://www.spine-health.com/treatment/pain-medication/opioid-pain-medications