Viêm khớp thái dương hàm là tình trạng đau nhức ở vùng xương hàm, gây khó khăn trong ăn uống, giao tiếp cho người bệnh. Bệnh lý này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tùy vào từng căn nguyên, các giải pháp được chuyên gia định hướng để điều trị bệnh sẽ khác nhau.
Viêm khớp thái dương hàm là gì?
Khớp thái dương hàm là khớp động ở trên phần sọ mặt. Bộ phận này gồm diện khớp của xương hàm dưới và diện khớp của xương hàm thái dương và một số thành phần khác như bao khớp, dây chằng khớp, đĩa khớp, mô sau đĩa. Khớp này có chức năng giúp hàm đóng mở thực hiện các hoạt động ăn, nhai, nuốt, nói,...
Viêm khớp thái dương hàm hay còn được gọi là rối loạn khớp thái dương hàm, viêm khớp hàm thái dương. Đây là bệnh lý rối loạn khớp hàm và các cơ xung quanh. Tình trạng này dẫn đến đau nhức theo chu kỳ, co thắt cơ, mất cân bằng khớp nối ở giữa xương hàm và xương sọ. Chính vì điều này, các chức năng của khớp thái dương bị suy giảm, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống sinh hoạt thường ngày.
Viêm khớp thái dương hàm gây đau nhức và khó khăn khi há miệng
Theo các chuyên gia xương khớp, bệnh viêm khớp thái dương hàm khá phổ biến, mọi đối tượng đều có thể gặp phải. Tuy nhiên, theo khảo sát, nữ giới ở độ tuổi dậy thì và mãn kinh có tỷ lệ mắc cao hơn những đối tượng khác.
Dấu hiệu nhận biết viêm khớp thái dương hàm
Người bệnh có thể thấy, viêm khớp thái dương hàm có thể gây ra những cơn đau lan rộng đến tai hoặc xuống họng với cảm giác đau đầu, đau khu vực răng. Thông thường, tình trạng bệnh chỉ đau nhẹ, hết sau một thời gian. Tuy nhiên, nếu để bệnh tiến triển nặng, hàm dưới thường khó cử động, đau nhiều, đau liên tục nhất là khi nhai. Lúc này, người bệnh cần đến sự can thiệp của thuốc để loại bỏ các triệu chứng gây khó chịu.
Nếu bạn có một trong những triệu chứng dưới đây, rất có thể đó là dấu hiệu nhận biết bệnh viêm khớp thái dương hàm:
Đau ở các khớp thái dương hàm: khi bị viêm khớp thái dương hàm, bạn có thể thấy đau ở một bên hoặc cả hai bên mặt.
Đau lan đến tai, răng hoặc họng: Nhiều trường hợp bệnh nặng, các cơn đau thường lan xuống răng và thái dương. Cơn đau lan lên đầu, gây chóng mặt, đau ở khu vực xung quanh tai, ù tai khiến khả năng nghe bị ảnh hưởng. Một số trường hợp lan xuống thành họng cùng bên hàm bị đau.
Khó nhai hoặc khó nói chuyện: Khu vực quai hàm đau khiến người bệnh khó há miệng, nhai và nói.
Cứng khớp, khó mở hoặc đóng miệng: Một số trường hợp bệnh nhân nghe thấy tiếng lục cục khi nhai hoặc há miệng. Cơn đau ở giai đoạn này diễn ra thường xuyên hơn, cường độ tăng dần.
Đau, sưng mặt gây mất cân đối: Cảm giác mỏi mặt, sưng mắt ở phía bên khớp thái dương hàm đau và cơ nhai. Đau nhiều có thể gây phì đại cơ nhai khiến khuôn mặt mất cân đối, một bên phình to hơn.
Đau nhức vùng thái dương hàm là dấu hiệu điển hình của bệnh
Nếu nhận thấy các triệu chứng nêu trên, rất có thể bạn đã bị viêm khớp thái dương hàm. Để biết chính xác, nên đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và nhận phác đồ điều trị phù hợp.
Nguyên nhân gây viêm khớp thái dương hàm
Nguyên nhân gây nên tình trạng viêm khớp thái dương hàm khá đa dạng. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:
Cơ khớp thái dương hàm hoạt động quá sức: Khi nhai cao su, nghiến răng khi ngủ, cắn móng tay, thói quen nhai 1 bên,... có thể tạo một lực lớp lên khớp thái dương hàm. Điều này khiến khớp cơ ở khu vực này bị quá tải gây hiện tượng đau nhức.
Chấn thương: Các va đập có thể gây ra chấn thương ở vùng khớp thái dương hàm khiến tình trạng đau nhức, khó chịu.
Sau nhổ răng: Nhổ các răng số 7 và số 8 thường khiến viêm thái dương hàm. Nhất là những trường hợp răng mọc lệch, răng chen chúc nhau làm sai khớp thái dương hàm.
Yếu tố tinh thần: Người bệnh thường xuyên lo lắng, căng thẳng, mất ngủ khiến tình trạng căng cơ hàm xảy ra và gây đa thái dương hàm.
Yếu tố bệnh lý: Các bệnh lý như nhiễm khuẩn khớp hàm, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, viêm - thoái hóa thứ phát khớp thái dương hàm,... là nguyên nhân gây nên tình trạng viêm khớp thái dương hàm.
Việc xác định đúng nguyên nhân gây viêm khớp thái dương hàm cực kỳ quan trọng. Qua đây, các bác sĩ chuyên khoa sẽ có định hướng lên phác đồ điều trị viêm khớp thái dương hàm phù hợp, đảm bảo mang lại hiệu quả cao nhất.
Viêm khớp thái dương hàm có nguy hiểm không?
Nếu phát hiện và cải thiện tình trạng viêm khớp thái dương hàm sớm, bệnh lý có thể được đẩy lùi. Tuy nhiên, nếu để bệnh tiến triển nặng, những biến chứng có thể xuất hiện. Nặng nhất phải kể đến tình trạng giãn khớp, trật khớp, dính khớp do đầu khớp có biểu hiện thoái hóa. Thậm chí là thủng đĩa khớp. Điều này đồng nghĩa với việc đầu xương có nguy cơ bị phá hủy, xơ cứng và hạn chế khả năng cử động, không há được miệng.
Một số trường hợp bệnh nhân bị ù tai, dẫn tới tổn thương thính giác vĩnh viễn. Nhiều bệnh nhân lại bị tổn hại về tầm nhìn.
Viêm khớp thái dương hàm có thể gây ra biến chứng trật khớp, dính khớp
Điều trị viêm khớp thái dương hàm
Hiện nay, có nhiều giải pháp khắc phục tình trạng khớp thái dương hàm bị viêm. Theo đó, chi phí điều trị viêm khớp thái dương hàm cũng có sự linh động. Tùy vào tình trạng bệnh, kinh tế, bệnh nhân có thể cân nhắc chọn cách phù hợp nhất.
Dưới đây là một số phác đồ điều trị viêm khớp thái dương hàm điển hình:
Biện pháp tại chỗ
Đeo máng nhai: Khí cụ này làm bằng nhựa trong, mềm dẻo, đặt giữa hai hàm răng để định vị lại khớp và thư giãn cho hàm. Cách này cần thực hiện hàng ngày để đạt hiệu quả như mong muốn.
Vật lý trị liệu: Thực hiện chườm ấm, massage, chiếu tia hồng ngoại,... giúp cho tuần hoàn mạch máu vùng khớp và giảm các triệu chứng đau hiệu quả. Hoặc thực hiện các bài vận động nhẹ nhàng cũng có khả năng phục hồi chức năng hàm dưới hiệu quả.
Khắc phục thói quen xấu: Những thói quen như chống cằm, nghiến răng, cắn móng tay,...
Điều trị nội khoa bằng thuốc
Đây được biết đến là phương pháp chữa bệnh viêm khớp thái dương hàm phổ biến hàng đầu, hầu hết các bệnh nhân đều lựa chọn đầu tiên khi có dấu hiệu bị bệnh. Vậy viêm khớp thái dương hàm uống thuốc gì? Một số loại thuốc phổ biến thường các các bác sĩ chỉ định là:
Thuốc kháng viêm và giảm đau: Paracetamol, thuốc NSAIDS như Diclofenac, Meloxicam, thuốc kháng viêm corticoid,...
Thuốc chống trầm cảm ba vòng liều thấp hỗ trợ kiểm soát nghiến răng, mất ngủ và giảm đau.
Thuốc giãn cơ giúp giảm đau do các cơn co thắt cơ vùng khớp thái dương hàm.
THuốc tây điều trị viêm khớp thái dương hàm khá đa dạng
Điều trị ngoại khoa
Nếu các biện pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả như mong đợi hoặc trường hợp bệnh nhân có cấu trúc răng, hàm bị lệch lạc dẫn tới khớp thái dương hàm bị viêm thì các bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định điều trị bằng các thủ thuật hoặc phẫu thuật.
Nắn chỉnh lại khớp thái dương hàm: Nhằm đưa lồi cầu định vị về đúng vị trí trên đĩa khớp. Cách này được áp dụng với trường hợp bệnh nhân há miệng khó khăn ít hơn 3 tuần.
Mài chỉnh/tái tạo khớp cắn bằng niềng răng, nhổ bỏ răng hoặc phẫu thuật chỉnh hình xương, phẫu thuật ổ xương răng. Các cách nêu trên nhằm mục đích cải thiện tiếp xúc răng và khả năng vận động của hàm.
Phẫu thuật nội soi khớp thái dương hàm.
Phẫu thuật thay khớp thái dương hàm.
Cách phòng ngừa bệnh viêm khớp thái dương hàm
Viêm khớp thái dương hàm gây nên các triệu chứng và biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai, giao tiếp của người bệnh. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh lý này xuất hiện, bạn cần chú ý:
Tránh các thói quen xấu như cắn chặt răng, chống cằm, nghiến răng, cắn móng tay,...
Can thiệp chỉnh nha để cải thiện các tình trạng răng mọc lệch, mọc chen chúc, xô đẩy làm lệch khớp cắn.
Hạn chế để cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi.
Không nên há miệng rộng đột ngột.
Ăn uống đủ chất, bổ sung nhiều canxi, vitamin D, cân bằng sinh hoạt, lao động hợp lý để giảm nguy cơ mắc các bệnh về xương khớp.
Viêm khớp thái dương hàm là bệnh lý phổ biến, dễ gặp ở mọi đối tượng. Mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng bệnh lại gây ra nhiều khó khăn và bất tiện trong cuộc sống thường ngày của người bệnh. Mọi người cần đề cao cảnh giác, điều trị kịp thời khi có những dấu hiệu của bệnh xuất hiện.
Xem thêm:
Bình luận bài viết
Bài viết có: 0 bình luận