Đau vai phải là hiện tượng khá phổ biến ở những người trưởng thành. Nhiều người nghĩ đây đơn giản chỉ là cảm giác khó chịu nhất thời, thế nhưng những cơn đau ở vai phải có thể là triệu chứng của một số căn bệnh nguy hiểm khác.
Bài viết sau đây sẽ đưa ra 6 bệnh thường gặp từ triệu chứng đau vai phải.

1. Nguyên nhân đau vai phải
1.1 Thoái hóa đốt sống cổ
Trong nhiều trường hợp thì đau vai phải có thể là triệu chứng của bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Đây là chứng bệnh mắc phải khi sụn khớp, tổ chức xương đốt sống của một người bị thoái hóa, nhất là những người cao tuổi hoặc lười vận động.
Thoái hóa đốt sống cổ sẽ gây ra các cơn đau nhức ở vùng vai gáy, vì thế người bệnh không chỉ đau nhức mỗi vai phải mà sẽ thường đau cả hai vai, các cơn đau sẽ giảm khi nghỉ ngơi và tăng khi vận động. Người bệnh còn cảm thấy đau vai khi quay đầu, cúi đầu… khi cử động mạnh còn có thể nghe những tiếng răng rắc nhỏ.
1.2 Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
Thoát vị đĩa đệm gây rất nhiều ảnh hưởng đến các vị trí xung quanh. Cụ thể là gây chèn ép rễ thần kinh, tủy sống. Gây ra những cơn đau cấp tính hoặc mãn tính.
Người bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ có thể đau khu trú ở vùng cổ hoặc vùng vai gáy lan lên chẩm, cảm thấy đau nhức ở cả vai phải và vai trái. Cơn đau tăng khi ho hay hắt hơi. Có thể kèm theo các triệu chứng như tê, yếu cơ cổ, vai, gáy và cánh tay… Hoặc chóng mặt, ù tai, mất thăng bằng…
1.3 Viêm gân chóp xoay vai
Viêm gân chóp xoay vai là tình trạng dây chằng của cơ quay trên khớp vai bị chấn thương một phần hoặc toàn bộ.
Triệu chứng của bệnh này là bả vai cả hai bên trái phải đều đau nhức, đặc biệt là khi người bệnh giơ tay cao quá đầu. Vai và hai cánh tay của người bệnh cũng yếu hơn hẳn so với trước.
Bệnh còn gây ra tình trạng đau khi vận động mạnh, khi chải tóc và ngả lưng, khi đẩy đồ vật ra xa…
1.4 Loãng xương
Đây là chứng bệnh làm cho xương của người bệnh mất đi canxi theo năm tháng, khiến xương trở nên xốp và dễ bị thương tổn. Loãng xương khi phát triển đến một mức độ nào đó sẽ khiến cho xương khớp bị đau, như đau vùng vai, vùng cột sống, thắt ngang… Khi xương bị đau, các cơ quanh cột sống như cơ vai sẽ bị co cứng lại, khiến bệnh nhân rất khó cử động, và đau đớn khi cử động mạnh. Loãng xương sẽ gây ra các cơn đau ở cả hai vai phải và trái.
1.5 Nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim xảy ra khi lượng máu lên tim bỗng đứt đoạn bởi mạch vành bị tắc nghẽn, khiến tế bào cơ tim bị chết. Những triệu chứng chính của hiện tượng nhồi máu cơ tim bao gồm đau thắt ngực, cơn đau ngực lan tới cả hai vai, hàm hay xuống lưng, qua bàn tay…
Bệnh cũng gây ra tình trạng khó thở, nôn, ho, chóng mặt, tim đập mạnh, các cơ ở ngực hay ở vai bị đau nhức, vv…
1.6 Ung thư phổi
Hiện tượng đau vai phải cũng có thể là do ung thư phổi gây ra, nhất là khi cơn đau của người bệnh diễn ra ở cả hai vai và cả khi nghỉ ngơi, không vận động, đặc biệt là đau vào ban đêm…
Các triệu chứng khác của bệnh còn bao gồm khó thở, thở khò khè, ho dai dẳng, ho ra máu, ra đờm, đau ngực hay đau lưng…

2. Triệu chứng đau vai phải
Người bệnh bị đau nhức khi xoay người.
Cảm giác đau tăng dần, từ khó chịu đến tê cứng và cơn đau lan rộng xuống cánh tay.
Bệnh mất ngủ thường xuyên xảy ra ở khi triệu chứng đau bả vai phải xuất kéo dài từng đêm.
Bệnh nhân cảm thấy đau và khó chịu nhiều hơn trong thời điểm giao mùa.
3. Các phương pháp điều trị đau vai phải
Tùy vào từng nguyên nhân mà người bệnh hãy tìm một phương pháp điều trị phù hợp:
- Đau do vận động sai tư thế thì người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau, tăng cường vitamin E… hoặc tham gia vật lý trị liệu, xoa bóp…
- Các bệnh lý về xương khớp như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ, loãng xương thì bệnh nhân có thể dùng thuốc kết hợp với các phương pháp châm cứu, vật lý trị liệu theo chỉ định của y bác sĩ.
- Nếu bệnh nhân bị viêm gân chóp xoay vai thì có thể chữa bằng phương pháp sóng xung kích, sóng siêu âm, tia laser cường độ cao… để giảm cơn đau và kích thích vùng gân và cơ bị thương mau phục hồi theo chỉ định từ y bác sĩ.
Đau vai phải có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Hãy so sánh những triệu chứng ở trên để nhận biết từng căn bệnh và liên hệ với y bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nhất.
*** Bài viết có sự cố vấn từ PGS. TS Lê Minh Hà, hiện đang công tác tại Viện Hàn Lâm Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam.