Đau đầu gối sau sinh – Mẹ nên làm gì để khắc phục

Đau đầu gối sau sinh – Mẹ nên làm gì để khắc phục


Mục lục [Ẩn/Hiện]

Sinh con là một trong những khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời phụ nữ. Tuy nhiên, cùng với sự ra đời của đứa con bé bỏng, chị em cũng phải đối mặt với nhiều thay đổi thể chất trong thời kỳ hậu sản, đặc biệt trong số đó là tình trạng đau đầu gối sau sinh. Đây không phải là vấn đề có thể xem nhẹ bởi nếu không chăm sóc kịp thời, rất có thể chị em sẽ phải chung sống với tình trạng này cho đến cuối đời. Để hiểu rõ hơn về đau đầu gối sau sinh cũng như cách khắc phục hiệu quả nhất triệu chứng này, mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết dưới đây.

 dau-dau-goi-sau-sinh

Đau đầu gối sau sinh, chị em chớ xem thường!

Đau đầu gối sau sinh - Hiện tượng nhiều mẹ bỉm sữa gặp phải

Không phải tất cả nhưng hầu hết chị em đều từng phàn nàn về chứng đau đầu gối sau sinh. Thông thường, cảm giác khó chịu này sẽ bắt đầu ngay từ khi mang thai, đặc biệt là trong những tháng cuối thai kỳ bởi khi đó thai nhi phát triển mạnh mẽ nhất, trọng lượng cơ thể mẹ cũng thay đổi đáng kể nên hiển nhiên các khớp, nhất là khớp gối – nơi gánh chịu áp lực của cả cơ thể sẽ trở nên kém ổn định hơn. Triệu chứng này thường kéo dài dai dẳng đến tận sau khi sinh con, mức độ đau có thể rất khác nhau ở mỗi chị em, có người chỉ đau khi cử động khớp gối nhưng cũng có người đau ê ẩm ngay cả khi nghỉ ngơi.

Nhiều phụ nữ có thể bị sốc bởi trước đây họ chưa từng gặp vấn đề về xương khớp mà nay lại bị đau đầu gối ở độ tuổi trẻ như vậy. Tuy nhiên, các mẹ không cần quá lo lắng bởi đây là triệu chứng rất phổ biến ở phụ nữ sau sinh. Điều bạn cần làm là bình tĩnh và trang bị kiến thức để kiểm soát hiệu quả tình trạng này.

Nguyên nhân khiến chị em đau đầu gối sau sinh

Với đa số chị em, tình trạng đau đầu gối sau sinh là do nhiều yếu tố cùng phối hợp gây ra, đó có thể là:

Trọng lượng cơ thể tăng

tang-can-gay-dau-dau-goi-sau-sinh

Việc tăng cân đáng kể trong thai kỳ góp phần dẫn đến đau đầu gối sau sinh

Hầu như ai cũng biết rằng trọng lượng cơ thể tăng quá mức sẽ góp phần gây ra các vấn đề về xương khớp, do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi quá trình mang thai và sinh nở có thể gây ra đau đầu gối. Từ tháng thứ 4 của thai kỳ, mẹ bầu thường sẽ tăng từ 1,5 – 2kg mỗi tháng, cho đến tháng cuối thai kỳ, bạn có thể tăng tới 10 – 12kg so với cân nặng cơ thể trước đó.

Với sự thay đổi cân nặng đột ngột trong thời gian ngắn như vậy, đầu gối rất dễ bị tổn thương và gặp tình trạng đau nhức. Mặc dù sau khi sinh, cân nặng có xuống và áp lực lên đầu gối đã giảm, nhưng cảm giác đau này vẫn có thể kéo dài. Ngoài ra, khi vượt cạn, mẹ phải dùng lực để sinh bé nên các khớp phải giãn ra, khớp đầu gối cũng vô tình chịu thêm áp lực lớn. Điều này cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau đầu gối sau sinh.

Hormone thay đổi

Sự thay đổi nội tiết tố trong và sau khi mang thai cũng đóng một vai trò đáng kể trong việc dẫn đến tình trạng đau đầu gối sau sinh. Khi phụ nữ mang thai, nồng độ hormone relaxin trong cơ thế sẽ tăng, trong hai tam cá nguyệt đầu tiên, relaxin giúp ức chế các cơn co thắt và ngăn ngừa sinh non. Còn trong những tháng cuối thai kỳ, hormone này có vai trò làm mở và làm mềm cổ tử cung, âm đạo, đồng thời làm giãn các dây chằng của khung chậu để hỗ trợ quá trình sinh nở.

Tuy nhiên, hormone relaxin không chỉ gây ra sự lỏng lẻo ở vùng xương chậu mà nó còn có thể khiến các dây chằng và các gân khác bị nới lỏng, bao gồm cả dây chằng xung quanh đầu gối. Đó là lý do tại sao chị em dễ bong gân hoặc căng cơ quá mức khi hoạt động thể chất và bị đau đầu gối sau sinh. Ngay cả sau khi phụ nữ sinh con, hormone relaxin vẫn tích cực hoạt động nên có thể mất đến 5 tháng để đầu gối bạn đỡ đau nhức và trở về trạng thái bình thường.

Loãng xương

Phụ nữ sau sinh phải đối mặt với nguy cơ loãng xương rất cao nếu khi mang thai chế độ dinh dưỡng của mẹ không cung cấp đủ lượng canxi cần thiết cho con. Bởi thai nhi sẽ rút canxi từ chính xương của cơ thể mẹ. Hậu quả là, mật độ xương của mẹ sẽ giảm và dẫn đến tình trạng loãng xương. Khi đó, xương trở nên giòn yếu, kém vững chắc khiến mẹ thường xuyên gặp tình trạng đau nhức xương khớp ê ẩm, đặc biệt là ở vùng háng và đầu gối.

Tiền sử mắc bệnh xương khớp

Một số trường hợp chị em bị đau đầu gối sau sinh do trước đó họ vốn đã có một bệnh lý nào đó về xương khớp, thường gặp nhất trong số này là viêm khớp mạn tính. Do khớp gối vốn bị tổn thương từ trước nay lại kết hợp thêm các yếu tố như tăng cân, rối loạn nội tiết, loãng xương nên tình trạng đau nhức khớp càng trở nặng và khiến mẹ cực kỳ khó chịu.

Dấu hiệu của đau đầu gối sau sinh

 trieu-chung-dau-dau-goi-sau-sinh

Các triệu chứng thường gặp ở phụ nữ bị đau đầu gối sau sinh

Đau đầu gối sau sinh có thể biểu hiện ở các mức độ và triệu chứng khác nhau tùy theo nguyên nhân gây bệnh và sức khỏe của mỗi cá nhân. Trong đó, những dấu hiệu thường gặp nhất bao gồm:

  • Đau khớp gối: đau đầu gối sau sinh chủ yếu gặp trường hợp bị đau nhức thường xuyên, cụ thể là cảm giác đau khớp gối ê ẩm ngay cả khi nghỉ ngơi và mức độ đau càng gia tăng khi vận động.
  • Khớp gối kêu khi cử động: có nhiều chị em gặp tình trạng phát ra tiếng kêu răng rắc hoặc lộc cộc ở khớp gối mỗi khi vận động như co duỗi, gập khớp gối.
  • Cứng khớp: triệu chứng này cũng được nhiều phụ nữ phản ánh, cứng khớp khiến họ cử động rất khó khăn, nhất là vào lúc sáng sớm vừa ngủ dậy và đặt chân xuống nền nhà.
  • Sưng đầu gối: nếu tình trạng đau đầu gối có kèm theo triệu chứng viêm khớp thì bạn sẽ cảm thấy đầu gối sưng, nóng và có thể trông ửng đỏ.

Đau đầu gối sau sinh có nguy hiểm không?

Rất khó để kết luận đau đầu gối sau sinh có nguy hiểm hay không bởi điều này phụ thuộc phần lớn vào nguyên gây bệnh.

Về cơ bản, các trường hợp đau khớp đầu gối sau sinh không liên quan đến các bệnh lý xương khớp mạn tính thì đều không đáng lo ngại, chỉ cần chị em chăm sóc kịp thời là có thể giải quyết nó một cách dễ dàng. Tuy nhiên, nếu để mặc không điều trị, đau đầu gối sau sinh lâu ngày cũng sẽ dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như mất ngủ, giảm khả năng vận động, tăng nguy cơ viêm khớp mạn tính, từ đó, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của mẹ bỉm sữa.

Ngược lại, đau khớp gối sau sinh mà liên quan đến bệnh lý mạn tính như viêm khớp hay thoái hóa khớp thường khó kiểm soát hơn. Nếu không được điều trị đúng cách, chị em có thể sẽ tăng nguy cơ đối mặt với một số biến chứng nghiêm trọng như biến dạng khớp gối khiến cho việc đi lại khó khăn, hoặc teo cơ gây tàn phế.

Mất bao lâu để bình phục đau đầu gối sau sinh

Hẳn một trong những thắc mắc được quan tâm nhất của các chị em là tình trạng đau đầu gối sau sinh này sẽ kéo dài trong bao lâu. Theo các chuyên gia, điều này tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh cũng như tình trạng sức khỏe của người mẹ. Nhìn chung, nếu chứng đau đầu gối sau sinh xuất phát từ những thay đổi do mang thai, nó có thể sẽ kéo dài trong khoảng vài tuần đến vài tháng sau sinh bởi các gân và dây chằng vẫn còn lỏng lẻo và chưa thể hồi phục ngay lập tức. Thêm vào đó, cân nặng và hormone cũng cần thời gian để trở lại mức độ bình thường – sự ổn định này có thể cần từ 3-6 tháng.

Còn đối với những trường hợp liên quan đến vấn đề xương khớp mạn tính, chứng đau đầu gối thường sẽ dai dẳng hơn. Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng bởi hiện nay có rất nhiều biện pháp hiệu quả để giúp bạn kiểm soát tình trạng này. Hơn nữa, nếu mẹ có thể kết hợp thói quen ăn uống hợp lý và chăm sóc cơ thể phù hợp thì cơ hội phục hồi đau đầu gối sau sinh của chị em sẽ càng cao hơn.

Cách khắc phục chứng đau đầu gối sau sinh hiệu quả

Để cải thiện tình trạng đau đầu gối sau sinh, điều quan trọng là chị em cần được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh, sau đó bác sĩ sẽ giúp bạn định hướng biện pháp khắc phục phù hợp nhất với nguyên nhân cũng như tình trạng sức khỏe của bạn. Những phương pháp có thể được đề xuất bao gồm:

Kiểm soát cân nặng sau sinh

 kiem-soat-can-nang

Chị em nên duy trì cân nặng hợp lý để giúp giảm áp lực đè lên khớp gối

Vì khớp gối có trách nhiệm gánh vác toàn bộ trọng lượng của cơ thể, nên nếu đang trong tình trạng tăng cân quá nhiều sau sinh, chị em nên bắt đầu cân nhắc đến việc kiểm soát và duy trì cân nặng hợp lý để giúp giảm áp lực đè lên các khớp nói chung và khớp gối nói riêng. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc hạn chế các cơn đau đầu gối và ngăn ngừa tình trạng thoái hóa xương khớp sớm.

Vận động thể lực phù hợp

Việc tập luyện sẽ giúp ích rất nhiều cho phụ nữ trong thời kỳ hậu sản. Đây không chỉ là cách hiệu quả để chị em nhanh lấy lại vóc dáng mà vận động thể chất ở mức độ phù hợp còn giúp tăng cường sức mạnh các cơ hỗ trợ đầu gối - điều này sẽ giúp bù đắp cho sự lỏng lẻo của dây chằng và gân ở đầu gối. Bên cạnh đó, các bài tập này còn hỗ trợ duy trì sự linh hoạt và dẻo dai của gân khớp. Tuy nhiên, trước khi bạn bắt đầu tập thể dục, bạn cần khởi động kỹ để kéo giãn cơ và giảm bớt căng thẳng tích tụ trong cơ.

Lưu ý, không nên làm các động tác mạnh như chạy, nhảy và hạn chế lên xuống cầu thang, ngồi xổm khi khớp gối chưa bình phục hoàn toàn. Chị em cũng cần chú ý đến các hoạt động thường ngày như việc chạy xung quanh để lấy tã, sữa cho bé – những động tác gấp gáp đó có thể vô tình gây căng thẳng lên đầu gối.

Kỹ thuật nhiệt trị liệu

 chuom-giam-dau-dau-goi-sau-sinh

Chườm nóng giúp thư giãn các cơ và tăng cường tuần hoàn đến khớp gối

Việc sử dụng nhiệt trị liệu như chườm nóng có thể giúp phụ nữ đối phó hiệu quả các cơn đau khớp gối sau sinh. Tác dụng của nhiệt độ sẽ giúp thư giãn các cơ co thắt, tăng cường tuần hoàn đến khớp gối, từ đó hỗ trợ giảm tình trạng đau nhức. Khi thực hiện, chị em lưu ý không sử dụng túi chườm nóng trực tiếp lên da trần, hãy quấn chúng vào một chiếc khăn và sau đó mới đắp lên đầu gối. Nếu không có túi chườm, bạn có thể ngâm chân hoặc tắm nước ấm để giảm bớt cơn đau.

Chế độ dinh dưỡng khoa học

Phụ nữ sau sinh thường lựa chọn rất nhiều thức ăn bổ dưỡng để có sữa tốt nhất cho con, tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý cân bằng các nhóm chất thiết yếu với lượng vừa đủ để vẫn đảm bảo kiểm soát cân nặng hợp lý. Ngoài ra, khi lên thực đơn hàng ngày, chị em bị đau đầu gối sau sinh nên lưu ý những điều sau:

  • Tránh nêm nếm đồ ăn quá mặn bởi muối có thể gây tích nước, tăng cân và tạo áp lực lên khớp gối.
  • Tuyệt đối không sử dụng bia rượu và các chất kích thích bởi chúng sẽ gây co cứng cơ khớp gối.
  • Hạn chế rau củ họ cà trong giai đoạn đang bị đau đầu gối do viêm khớp.
  • Nên tăng cường các thực phẩm giàu canxi như sữa, tôm, cua, cá, … để giúp ngăn ngừa tình trạng loãng xương.
  • Ăn nhiều rau xanh và hoa quả, nhất là các loại rau có màu xanh đậm, chúng vừa hỗ trợ tiêu hóa, vừa giúp bổ sung các chất chống oxy hóa, chống viêm có lợi cho chứng viêm khớp gối.

Tránh các tư thế gây hại cho đầu gối

 tu-the-can-tranh

Các tư thế gây hại cho đầu gối mà phụ nữ sau sinh nên tránh

Phụ nữ sau sinh cần tránh các thói quen gây hại cho khớp gối như: ngồi gác chéo chân hoặc ngồi xổm vì gập gối quá mức sẽ gây áp lực rất lớn lên mặt sụn khớp gối, dẫn đến, mặt sụn có thể mòn, dập, và thoái hóa sớm. Ngoài ra, bạn cũng cần tránh khuân vật nặng hay bế con đứng quá lâu, khớp gối chịu lực quá mức sẽ căng thẳng và khiến bạn bị đau.

Thuốc giảm đau

Phụ nữ đang cho con bú không nên dùng thuốc để tránh ảnh hưởng đến quá trình nuôi con bằng sữa mẹ. Tuy nhiên, nếu tình trạng đau đầu gối diễn biến xấu thì các mẹ cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc giảm đau. Hiện nay, loại thuốc giảm đau không kê đơn an toàn nhất cho phụ nữ đang cho con bú là paracetamol hay còn gọi là acetaminophen. Chị em có thể dùng với liều tối thiểu khi cần thiết để giảm đau đầu gối sau sinh.

Ngoài ra, nếu tình trạng đau đầu gối có liên quan đến chứng viêm khớp thì có thể bác sĩ sẽ kê toa thêm các thuốc có tác dụng chống viêm. Tuy nhiên, bạn chỉ được sử dụng thuốc khi có hướng dẫn của bác sĩ, tránh việc tự ý dùng sẽ gây nguy cơ một số tác dụng phụ nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

Mẹo giúp chị em đối phó với chứng đau đầu gối sau sinh

Bên cạnh tuân thủ tích cực các biện pháp khắc phục trên, chị em có thể áp dụng một số mẹo sau để chung sống “dễ thở” hơn với chứng đau đầu gối sau sinh:

  • Mát xa đầu gối thường xuyên: điều này sẽ giúp cải thiện lưu thông máu, xoa dịu các nhóm cơ căng cứng, từ đó, giúp giảm đau đầu gối hiệu quả. Ngoài ra, việc mát xa còn kích thích lưu thông khí huyết và vận chuyển các dưỡng chất tới nuôi dưỡng, phục hồi sụn khớp gối nhanh hơn.
  • Mang giày đế bằng và êm: trong thời gian chữa đau đầu gối sau sinh, chị em cần hạn chế đi giày cao gót hết mức có thể. Giày thể thao đế bằng là lựa chọn phù hợp hơn bởi chúng có thể giúp giảm sốc và giảm bớt căng thẳng cho đầu gối.
  • Cân nhắc việc đeo nẹp đầu gối: đây là dụng cụ hỗ trợ bảo vệ đầu gối bị đau hoặc tổn thương, nó có thể giúp bạn giảm đau đầu gối bằng cách hỗ trợ các dây chằng và các gân lỏng lẻo xung quanh đầu gối.
  • Chú ý thời gian và tư thế bế con: trong thời gian đau đầu gối, mẹ cần chú ý giữ tư thế và thời gian bế con thích hợp, không nên vừa bế con vừa đứng hoặc đi lại quá lâu. Không chăm sóc những điều đơn giản này có thể làm trầm trọng thêm đáng kể tình trạng đau khớp gối sau sinh.

mat-xa-giam-dau-dau-goi

Mát xa giúp lưu thông khí huyết, kích thích phục hồi đầu gối nhanh hơn

Khi nào bạn cần đi khám?

Trong trường hợp tình trạng đau đầu gối sau sinh trở nên tồi tệ hơn và cản trở nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày, hoặc triệu chứng này kéo dài dai dẳng hơn 3 tháng, hay khi bạn bắt đầu quan sát thấy những thay đổi trên cơ thể mà bạn chưa từng thấy trước đây, hãy đi khám ngay để được bác sĩ hỗ trợ phương pháp điều trị phù hợp và kịp thời nhất, ngăn ngừa biến chứng tổn thương đầu gối vĩnh viễn có thể xảy ra.

Lời kết 

Đau đầu gối sau sinh là một trong nhiều vấn đề xảy đến với cơ thể phụ nữ sau khi sinh con. Những thay đổi khắc nghiệt mà cơ thể trải qua trong suốt chín tháng như tăng cân, thay đổi hormone là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Ngoài ra, một số trường hợp, đau đầu gối sau sinh có thể do bệnh lý xương khớp sẵn có. Tuy nhiên, chị em không cần quá lo lắng bởi nếu biết cách áp dụng một chiến lược ăn uống và tập luyện khoa học, kết hợp với các liệu pháp giảm đau phù hợp thì các cơn đau đầu gối sẽ thuyên giảm và trả lại cho bạn sự nhẹ nhõm.

Để được giải đáp mọi vấn đề còn thắc mắc về đau đầu gối sau sinh, chị em có thể gọi tới tổng đài miễn cước 1800.1156. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe!

Tài liệu tham khảo:

Tác giả: -
CẢNH BÁO: Xuất hiện các cuộc gọi giả danh thương hiệu Thái Minh để “lừa dối” Khách hàng. Vì vậy, từ ngày 01/02/2022 THÁI MINH chỉ sử dụng số điện thoại duy nhất 0986.01.01.01 để gọi ra cho khách hàng. Quý khách lưu ý tránh bị kẻ gian lừa đảo. Trân trọng thông báo!

Bình luận bài viết

Bài viết có: 0 bình luận


Bình luận về bài viết