Thoái Hóa Khớp Ngón Tay: Dấu Hiệu Nhận Biết Và Cách Điều Trị

Thoái Hóa Khớp Ngón Tay: Dấu Hiệu Nhận Biết Và Cách Điều Trị


Mục lục [Ẩn/Hiện]

Thoái hóa khớp ngón tay là tình trạng lớp sụn khớp của ngón tay bị hao mòn, khiến hai đầu xương cọ xát vào nhau gây cảm giác đau nhức và hạn chế vận động. Bệnh lý này hiện chưa có bất kỳ cách điều trị nào cho hiệu quả dứt điểm. Tuy nhiên, việc phát hiện kịp thời và can thiệp kiểm soát, hạn chế tiến triển của bệnh vẫn là rất cần thiết. 

🔶 Thoái hóa khớp ngón tay là bệnh gì?

Thoái hóa khớp hay là viêm khớp thoái hóa, viêm xương khớp là biểu hiện cho thấy xương dưới sụn và sụn khớp đang bị mài mòn. Tình trạng này khiến khớp bị cứng, khó vận động và dẫn đến những cơn đau nghiêm trọng. Nếu để bệnh tiến triển nặng có thể khiến cho hai đầu xương va vào nhau, thời gian dài dẫn đến biến dạng khớp. 

Thoái hóa khớp có thể xảy ra đối với bất kỳ khớp nào của cơ thể. Trong đó, riêng đối với bộ phận tay sẽ có: 

  • Thoái hóa khớp bàn tay 

  • Thoái hóa khớp ngón tay 

  • Thoái hóa khớp khuỷu tay

  • Thoái hóa khớp ngón tay cái 

  • Thoái hóa khớp cổ tay. 

Khi bị thoái hóa khớp ngón tay, bạn sẽ có cảm giác đau nhức nghiêm trọng và khó khăn hơn trong việc vận động. Khi bị thoái hóa khớp ngón tay, các khớp sau sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất: 

  • Khớp IP: Ở mỗi ngón tay có ba xương nhỏ được ngăn cách bởi khớp gọi là khớp IP hoặc khớp giữ. 

  • Khớp MCP: các xương trong bàn tay được nối với các ngón tay bằng khớp Metacarpophalangeal (MCP), khớp này giúp bạn có thể duỗi thẳng và uốn cong các ngón tay. 

Thoái hóa khớp ngón tay là dấu hiệu tổn thương sụn khớp

Thoái hóa khớp ngón tay là dấu hiệu tổn thương sụn khớp

🔶 Đối tượng có nguy cơ bị thoái hóa khớp ngón tay cao 

Thực tế, bất kỳ ai cũng có thể bị thoái hóa khớp ngón tay. Tuy nhiên, dưới đây là một số đối tượng chính có nguy cơ bị cao hơn:

  • Người cao tuổi: Tình trạng thoái hóa khớp là diễn ra tự nhiên đối với những người cao tuổi. Bệnh thường xảy ra ở những người trên 55 tuổi. 

  • Giới tính: Theo thống kê, tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa khớp ngón tay ở nữ giới cao hơn so với nam giới. 

  • Cân nặng: Người bị thừa cân béo phì có lượng mỡ thừa lớn dễ làm chèn ép các dây thần kinh, sụn khớp và gây đau nhức. 

  • Nghề nghiệp: Những người làm việc sử dụng đến bàn tay và ngón tay nhiều như văn phòng, nhân viên bốc vác, tài xế lái xe,... 

  • Một số đối tượng nguy cơ khác: Những người có tiền sử chấn thương ở bàn tay, ngón tay hoặc những vận động viên, người thường chơi các môn thể thao tiếp xúc. 

🔶 Nguyên nhân chính gây thoái hóa khớp ngón tay 

Tình trạng thoái hóa khớp ngón tay có thể xảy ra bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Các chuyên gia xương khớp thường chia thành hai nhóm chính như sau:

🔸 Nguyên nhân nguyên phát 

Theo thời gian sống của con người, các lớp sụn sẽ dần bị thoái hóa và có dấu hiệu bị mài mòn. Khi đó, các đầu xương không được đệm và bảo vệ sẽ gây ra cảm giác đau nhức do quá trình cọ xát vào nhau khi vận động. Từ đó, hình thành nhiều triệu chứng khác của bệnh viêm khớp. 

Ngoài ra, các lớp sụn khớp bị bào mòn có thể kích thích các mô ở trong khớp sản sinh ra một lượng lớn những tế bào có viêm. Khi đó, các triệu chứng sẽ có dấu hiệu bị tổn thương nhiều hơn. 

🔸 Nguyên nhân thứ phát 

Thoái hóa khớp tay có thể xảy ra do một số nguyên nhân khác tác động như: 

  • Dị tật bẩm sinh: Theo các nghiên cứu chỉ ra, các xương dị tật thường có nguy cơ bị thoái hóa cao hơn so với xương bình thường. Nguyên nhân là do xương bị tật thường có khớp xương yếu hơn, không được linh hoạt và mật độ xương bị giảm. 

  • Chấn thương: Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng thoái hóa khớp ngón tay. Sau khi chấn thương, các liên kết giữa khớp xương trở nên lỏng lẻo, khớp nhạy cảm và dễ bị tổn thương, chịu nhiều áp lực nên dễ bị thoái hóa. 

  • Một số bệnh lý khác: Các bệnh lý như dây chằng lỏng, nhiễm trùng, rách, bong gân, bệnh gout, viêm khớp, tổn thương sụn, lệch khớp,... có thể làm tăng nguy cơ bị thoái hóa khớp ngón tay. 

Các chấn thương có thể gây thoái hóa khớp ngón tay

Các chấn thương có thể gây thoái hóa khớp ngón tay

Ngoài các nguyên nhân nguyên phát và thứ phát, một số yếu tố dưới đây cũng có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp ngón tay: 

  • Sử dụng khớp ngón tay quá mức: Khi để khớp ngón tay cử động liên tục trong thời gian dài có thể tăng nguy cơ bị tổn thương, viêm và thoái hóa. Những người làm việc văn phòng, phải sử dụng chuột và bàn phím nhiều là đối tượng có nguy cơ cao. 

  • Chế độ ăn uống thiếu chất: Khi cơ thể không được bổ sung các chất như canxi, vitamin D và các khoáng chất cần thiết khác, xương khớp có thể bị chậm phát triển, giảm mật độ xương. Lúc này, quá trình thoái hóa khớp cũng sẽ được đẩy cao hơn, tăng nguy cơ lão hóa xương, gãy xương. 

  • Thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh: Những người ít vận động hoặc lao động chân tay nhiều, thường xuyên bẻ khớp ngón tay vô tình gây nhiều áp lực cho ngón tay, dễ bị hao mòn sụn khớp.

  • Di truyền: Các chuyên gia nghiên cứu cho thấy, người có cha mẹ hoặc ông bà, anh chị em bị thoái hóa khớp có nguy cơ bị cao hơn. 

Việc xác định được nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp ngón tay giúp ích rất nhiều cho các bác sĩ, chuyên gia trong việc lên phác đồ điều trị bệnh. 

🔶 Triệu chứng điển hình của bệnh thoái hóa khớp ngón tay 

Khi bị thoái hóa khớp ngón tay, người bệnh thường khó nhận biết ngay ở giai đoạn đầu do các triệu chứng không được rõ ràng. Vì vậy, việc nắm bắt và ghi nhớ dấu hiệu của bệnh là rất cần thiết. Dưới đây là những triệu chứng điển hình: 

  • Đau khớp: Đau nhức ở vùng ngón tay là dấu hiệu phổ biến mà bất kể người bệnh nào cũng đều sẽ cảm nhận được. Cảm giác đau xuất phát thường là âm ỉ, khó chịu ở các khớp. Mức độ đau tăng cao theo thời gian, thậm chí là đau nhói, khó uốn cong các khớp. Cơn đau thường rõ hơn khi trời lạnh, nhiễm trùng hoặc vận động mạnh, ít vận động. 

  • Cứng khớp: Cứng và đau khớp khiến người bệnh không uốn cong hoặc duỗi thẳng ngón tay. TÌnh trạng này xảy ra phổ biến vào buổi sáng sau khi ngủ dậy nhưng sẽ nhanh hết nếu bạn xoa bóp đều. 

  • Sưng và đỏ khớp: Thoái hóa khớp thường đi kèm hiện tượng viêm nên người bệnh sẽ cảm thấy vùng khớp bị thoái hóa sưng và đỏ ửng. 

  • Khớp có tiếng kêu lục khục: Khi các đầu xương ma sát ở khớp, nơi có sụn khớp bị thoái hóa có thể xuất hiện tiếng kêu lục khục. 

  • Dị dạng khớp: Khi bệnh tình chuyển biến nặng, các khớp có thể bị dị dạng và nhìn thấy được bằng mắt thường. Đó có thể là hiện tượng khớp phình to lên hoặc bị uốn cong. 

  • Bàn tay bị hạn chế vận động: Các khớp ngón tay khi bị thoái hóa sẽ bị mất đi tính linh hoạt, gây khó khăn trong việc uốn cong và duỗi bàn tay, khó nắm đồ vật hoặc giảm độ bám. 

Thoái hóa khớp ngón tay có nhiều triệu chứng phổ biến

Thoái hóa khớp ngón tay có nhiều triệu chứng phổ biến

Các triệu chứng bệnh thường sẽ rõ hơn khi bệnh tiến triển nặng. Tuy nhiên, việc phát hiện dấu hiệu từ sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời sẽ giúp ngăn chặn bệnh phát triển tốt hơn, khả năng phục hồi sụn khớp cao hơn. Bệnh này nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm khớp, gai xương, biến dạng bàn tay, tàn phế hoặc hoại tử xương, nhiễm trùng khớp, suy hóa gân, dây chằng quanh khớp,... 

🔶 Cách chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp bàn tay 

Việc chẩn đoán để đưa ra được kết luận chính xác bệnh thoái hóa khớp ngón tay cần được thực hiện bởi những người có chuyên môn. Thông thường, các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra tiền sử bệnh và mô tả các triệu chứng để chẩn đoán sơ bộ, sau đó đưa ra những hình thức chẩn đoán cận lâm sàng để nắm được tình trạng bệnh đang gặp và mức độ phát triển của bệnh như: 

  • Chụp X-quang: Giúp kiểm tra tổn thương và những bất thường ở các khớp, xương. Đồng thời, phân biệt được bệnh với các bệnh lý khác như gãy xương, gout,... 

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Cách này được sử dụng phổ biến hiện nay, cho hình ảnh chi tiết về cấu trúc khớp, xương và mô mềm để xác định được chính xác vị trí khớp bị tổn thương, loại tổn thương cũng như mức độ nghiêm trọng. 

  • Xét nghiệm máu: qua xét nghiệm máu giúp phân biệt được thoái hóa khớp cùng với bệnh gout, viêm khớp dạng thấp và một số bệnh tự miễn khác. 

Cách chẩn đoán thoái hóa khớp ngón tay

Cách chẩn đoán thoái hóa khớp ngón tay

Tùy thuộc vào từng tình trạng của bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định về hình thức chẩn đoán sao cho phù hợp nhất. 

🔶 Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp ngón tay 

Đối với những người bị thoái hóa khớp tay gồm ngón tay, cổ tay, khuỷu tay,... đều không thể chữa được dứt điểm. Tuy nhiên, triệu chứng và quá trình tiến triển của bệnh có thể được kiểm soát bằng nhiều cách khác nhau. Tùy vào tình trạng cũng như khả năng đáp ứng của mỗi người, các bác sĩ có chuyên môn sẽ có những giải pháp khác nhau dành cho cá nhân cụ thể. Dưới đây là một số cách phổ biến: 

🔸 Xử lý tại nhà 

Khi bị thoái hóa khớp ở giai đoạn nhẹ, người bệnh có thể tự kiểm soát tại nhà bằng những cách như sau: 

  • Chườm nóng

  • Chườm lạnh 

  • Nghỉ ngơi, tránh vận động ngón tay mạnh

  • Sử dụng nẹp/băng thun cố định ngón tay

  • Duy trì thói quen tập luyện. 

  • Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp. 

Chườm giúp giảm đau hiệu quả

Chườm giúp giảm đau hiệu quả

🔸 Sử dụng thuốc điều trị 

Thuốc chữa thoái hóa khớp cổ tay rất đa dạng, tùy vào mức độ bệnh nặng hay nhẹ mà bạn có thể cân nhắc dùng loại thuốc phù hợp. Sau đây là một số thuốc thường được các bác sĩ chỉ định kê đơn cho người thoái hóa khớp: 

  • Thuốc giảm đau thông thường: Thuốc này dùng cho những người bệnh nhẹ, đau ngắt quãng hoặc không nghiêm trọng, giúp giảm đau và tăng khả năng vận động, độ linh hoạt cho người bệnh. Thuốc giảm đau phổ biến là Paracetamol. 

  • Thuốc chống viêm không Steroid: Nhóm thuốc này giúp kiểm soát triệu chứng của bệnh, cải thiện cảm giác đau, nhức và ngăn ngừa tình trạng viêm sưng. Thuốc dùng cho trường hợp bệnh nhẹ đến trung bình, chưa có biến chứng. Các loại thuốc phổ biến trong nhóm này là Ibuprofen, Naproxen, Diclofenac,... 

  • Thuốc chứa Glucosamine và Chondroitin: Giúp cải thiện tình trạng đau nhức và đẩy nhanh khả năng phục hồi tổn thương bằng cách kích thích  tăng tiết dịch nhầy, đẩy nhanh quá trình tái tạo sụn khớp. 

  • Tiêm Cortisone vào khớp: Cách này dùng cho trường hợp bệnh nặng, không đáp ứng được với các loại thuốc nêu trên. Thuốc có tác dụng giảm viêm, giảm đau mạnh và xoa dịu cảm giác khó chịu trong thời gian ngắn. 

Thuốc Tây cho hiệu quả giảm đau nhanh

Thuốc Tây cho hiệu quả giảm đau nhanh

🔸 Vật lý trị liệu 

Song song với quá trình dùng thuốc, thực hiện vật lý trị liệu có thể giúp tăng cao khả năng trị bệnh hiệu quả hơn. Tùy thuộc vào tình trạng, người bệnh sẽ được yêu cầu vật lý trị liệu bằng những bài tập khác nhau. 

Thông thường, trong Y học cổ truyền, vật lý trị liệu sẽ gồm châm cứu, xoa bóp và ấn huyệt. Các cách này nên được thực hiện bởi người có chuyên môn, bạn không nên tự ý làm tại nhà bởi có thể gây ra nhiều rủi ro khi không xác định đúng vị trí khớp bị thoái hóa và các huyệt đạo. 

Vật lý trị liệu trị thoái hóa khớp ngón tay

Vật lý trị liệu trị thoái hóa khớp ngón tay

Hoặc tân tiến hơn, hiện có nhiều loại máy móc hỗ trợ vật lý trị liệu như máy chiếu laser thế hệ thứ IV, sóng xung kích shockwave, máy trị liệu BTL,...

🔸 Phẫu thuật 

Trường hợp bệnh nặng, các bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện phẫu thuật để tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh. Một số cách phẫu thuật hiện nay gồm có: 

  • Ghép khớp 

  • Thay khớp. 

Cách này cho hiệu quả tương đối nhanh nhưng mất thời gian phục hồi lâu và chi phí cao. Vì vậy, người bệnh cần cân nhắc lựa chọn. 

Nhìn chung, thoái hóa khớp ngón tay là bệnh lý không nguy hiểm đến tính mạng và có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, không vì thế mà người bệnh chủ quan. Mọi người cần nâng cao cảnh giác và đi thăm khám sớm nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào để can thiệp sớm giúp hạn chế biến chứng xuất hiện. 

Xem thêm:

Tác giả: -
CẢNH BÁO: Xuất hiện các cuộc gọi giả danh thương hiệu Thái Minh để “lừa dối” Khách hàng. Vì vậy, từ ngày 01/02/2022 THÁI MINH chỉ sử dụng số điện thoại duy nhất 0986.01.01.01 để gọi ra cho khách hàng. Quý khách lưu ý tránh bị kẻ gian lừa đảo. Trân trọng thông báo!

Bình luận bài viết

Bài viết có: 0 bình luận


Bình luận về bài viết