Thoái hóa khớp háng hình thành chủ yếu do cấu trúc xương có biến đổi dẫn tới đau nhức, hạn chế vận động. Bệnh này thường xuất hiện ở người cao tuổi. Thoái hóa khớp háng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp điều trị kịp thời.
🔶 Thoái hóa khớp háng là bệnh gì?
Khớp háng là một trong những khớp quan trọng trong hệ thống xương khớp của con người. Thoái hóa khớp háng là tình trạng sụn bọc ở chỏm xương đùi bị bào mòn theo thời gian, kéo theo bề mặt sụn bị cứng và sần. Khi vận động, xương chậu cọ xát mạnh vào chỏm xương sẽ gây đau và di chuyển khó khăn.
Theo thống kê, tỷ lệ bệnh nhân bị bệnh thoái hóa khớp háng đang ngày càng có xu hướng tăng thêm. Đặc biệt, tình trạng thoái hóa khớp gối ở người trẻ xuất hiện ngày một nhiều. Đây là dấu hiệu đáng báo động cho thế hệ trẻ hiện nay.
Bệnh thoái hóa khớp háng đang có xu hướng trẻ hóa
Bệnh thoái hóa khớp háng thường được chia thành 2 loại chính là nhóm nguyên phát và thứ phát:
Thoái hóa khớp háng nguyên phát: Đây là nhóm bệnh chủ yếu mà người bệnh thoái hóa khớp háng gặp phải, thường thấy ở người trên độ tuổi 60 do quá trình thoái hóa diễn ra tự nhiên và không có khả năng tự phục hồi.
Thoái hóa khớp háng thứ phát: Xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau với nhiều nhóm nhỏ như thoái hóa sau chấn thương, thoái hóa sau biến dạng, thoái hóa trên nền dị dạng cũ.
🔶 Nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp háng
Bệnh thoái hóa khớp háng có thể hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân điển hình được chỉ ra bởi các chuyên gia xương khớp:
Tuổi tác: Khi tuổi thọ một người càng tăng cao đồng nghĩa với việc quá trình lão hóa sẽ diễn ra. Quá trình này khiến các cơ quan trong cơ thể bị suy yếu và không ngoại trừ hệ xương khớp. Sụn khớp của người cao tuổi thường có biểu hiện mất độ đàn hồi và linh hoạt vì vậy sụn dễ bị bào mòn và hình thành nên bệnh thoái hóa khớp.
Di truyền: Theo nhiều nghiên cứu, những người có người thân từng bị thoái hóa khớp háng có nguy cơ bị bệnh cao hơn. Nguyên nhân do thừa hưởng những gen đột biến hoặc các khiếm khuyết trong cấu trúc xương. Tuy nhiên, nguyên nhân này vẫn chưa thật sự được làm sáng tỏ.
Chấn thương ở khớp háng: Vùng khớp háng nếu có các chấn thương mà không được điều trị kịp thời, dứt điểm rất dễ khiến khớp bị mất cân bằng và thoái hóa.
Chế độ ăn uống thiếu khoa học: Trong thực đơn thường ngày, việc không bổ sung đủ các chất cần thiết cho sự phát triển của sụn khớp và thường xuyên sử dụng chất kích thích sẽ khiến cho khớp háng bị suy yếu, lâu dần dẫn đến thoái hóa.
Thừa cân, béo phì: Cân nặng tăng đột ngột và tăng trong thời gian dài khiến cơ thể mất cân đối và khớp háng phải chịu trọng lượng lớn trong thời gian dài. Đây là yếu tố khiến cho khớp háng dần bị suy yếu, viêm khớp, thoái hóa.
Do các bệnh lý xương khớp: Những người có tiền sử bị bệnh xương khớp như viêm khớp, viêm cột sống, viêm thấp khớp, hoại tử chỏm xương đùi hoặc các bệnh gout, tiểu đường,... thường có nguy cơ bị thoái hóa khớp háng cao hơn so với người bình thường.
Khớp háng bị thoái hóa do nhiều nguyên nhân
Việc xác định được nguyên nhân dẫn đến bệnh thoái hóa khớp háng là điều rất cần thiết. Đây là yếu tố quyết định đến việc bác sĩ sẽ lựa chọn cho bạn phương pháp điều trị bệnh nào phù hợp nhất.
🔶 Triệu chứng thoái hóa khớp háng bạn cần biết
Bị thoái hóa khớp háng thường khó nhận biết ở giai đoạn đầu do các triệu chứng không rõ ràng. Lâu dần, khi bệnh tiến triển nặng, các dấu hiệu sẽ rõ ràng hơn với những triệu chứng sau:
Đau ở vị trí khớp háng, 2 bên hông: Bắt đầu có cơn đau ở vùng bẹn, háng và lan xuống đùi, khớp gối hoặc sau mông. Cơn đau có thể nặng hơn khi người bệnh thực hiện các động tác chạy bộ, đứng lên ngồi xuống, cúi người, leo cầu thang,...
Cứng khớp háng: Hiện tượng này thường xuất hiện vào sáng sớm khi cơ thể vừa ngủ dậy hoặc duy trì một tư thế quá lâu. Thời tiết thay đổi thất thường, chuyển lạnh cũng là nguyên nhân khiến khớp cứng đột ngột.
Dáng đi xiêu vẹo: Do khớp háng bị đau nên quá trình di chuyển của người bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn như không thể đi thẳng, đi khập khiễng, xiêu vẹo.
Cơ đùi bị teo: Nếu thoái hóa khớp háng kéo dài có thể khiến cho cơ đùi bị teo lại. Thậm chí là phá hủy cả xương đùi nếu không điều trị kịp thời.
🔶 Thoái hóa khớp háng có nguy hiểm không? Biến chứng của bệnh
Thoái hóa khớp háng có nguy hiểm không là câu hỏi được rất nhiều người bệnh đặt ra khi phát hiện mình mắc bệnh. Nhìn chung, căn bệnh này thường diễn tiến âm thầm ở giai đoạn khởi phát và bộc phát nghiêm trọng khi chuyển sang mức độ nặng. Dù không gây ảnh hưởng tới tính mạng nhưng nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh vẫn gây ra nhiều hậu quả không lường, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người bệnh.
Bệnh có thể gây ra những biến chứng như:
Tình trạng đau nhức khớp háng kéo dài
Thoát vị dịch hoạt, mọc gai xương, lệch xương trục khớp.
Hoại tử khớp háng dẫn đến tàn phế, không còn khả năng đi lại.
Stress, trầm cảm do tình hình bệnh tật cản trở đi lại và tâm lý trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Dễ bị béo phì, thừa cân do không di chuyển được dẫn đến năng lượng khó tiêu hao.
Có thể hình thành các bệnh nan y như tim mạch, tiểu đường, huyết áp,...
Biến chứng của thoái hóa khớp háng rất đa dạng
Qua những biến chứng nêu trên, có thể thấy bệnh thoái hóa khớp háng là căn bệnh cần được can thiệp điều trị, tuyệt đối không được chủ quan. Người bệnh cần có biện pháp điều trị càng sớm càng tốt để khôi phục chức năng xương khớp.
🔶 Điều trị thoái hóa khớp háng như thế nào cho đúng?
Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về bệnh thoái hóa khớp háng nhưng cho tới nay, vẫn chưa có bất kỳ giải pháp nào có thể điều trị được dứt điểm căn bệnh này. Tuy nhiên, không vì thế mà người bệnh từ bỏ và chấp nhận bệnh bởi có nhiều cách có thể đẩy lùi triệu chứng bệnh và ngăn chặn quá trình tiến triển của bệnh. Đồng thời, cũng giúp phục hồi khả năng vận động.
Ở mỗi mức độ bệnh khác nhau từ nhẹ tới nặng, các bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn cho bạn cách điều trị thoái hóa khớp háng phù hợp. Dưới đây là thông tin về thoái hóa khớp háng và cách điều trị:
🔸 Điều trị bảo tồn
Giải pháp bảo tồn mang lại hiệu quả cao khi bệnh chưa phát triển nặng. Khi áp dụng đều đặn cách này có thể giúp giảm đau nhanh chóng, khôi phục vận động và duy trì được chức năng của khớp.
Thay đổi lối sống: Giảm các hoạt động gây áp lực lên khớp háng như chạy bộ, mang vác nặng và thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, yoga.
Vật lý trị liệu: các bài tập vật lý trị liệu có khả năng tăng phạm vi chuyển động, khôi phục khả năng linh hoạt của khớp và tăng cường sức mạnh cơ bắp cho hông.
Sử dụng thiết bị hỗ trợ: Gậy, nạng, xe tập đi,... là những công cụ bạn có thể sử dụng nếu tình trạng thoái hóa khớp có dấu hiệu trở nặng và cản trở việc đi lại.
Sử dụng công cụ hỗ trợ di chuyển cho người bị thoái hóa khớp háng
🔸 Sử dụng thuốc giảm đau
Thuốc giảm đau là lựa chọn hàng đầu trong điều trị thoái hóa khớp háng mà mọi người bệnh đều hướng tới. Những loại thuốc này có khả năng chấm dứt cơn đau nhanh chóng.
Với trường hợp bệnh nhẹ, người bệnh nên dùng những loại giảm đau thông thường như paracetamol, giảm đau kháng viêm không steroid như Naproxen, Ibuprofen, Diclofenac,...
Trường hợp đau do thoái hóa khớp háng nặng cần sử dụng thuốc được kê theo toa từ bác sĩ chuyên khoa. Thuốc phổ biến thường là tramadol hoặc duloxetine. Nặng nhất có thể được chỉ định tiêm steroid hoặc corticoid để giảm sưng đau tạm thời.
🔸 Trị liệu thần kinh cột sống (Chiropractic)
Đây là một trong những giải pháp điều trị thoái hóa khớp háng tích cực không cần dùng thuốc. Cách này phù hợp với những trường hợp bệnh lý chưa cần chỉ định phẫu thuật. Nguyên tắc của phương pháp trị liệu thần kinh cột sống là nắn trật khớp, tập trung vào cột sống, khớp và sự kết nối của hệ thần kinh với cột sống.
+ Các bài tập hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp háng
- Bài tập kéo gối: Người bệnh nằm ngửa, hai đầu gối co lại. Sau đó, dùng tay kéo đầu gối áp sát vào ngực và giữ tư thế trên 10s, tập luyện hàng ngày để thấy được hiệu quả mà nó mang lại.
- Bài tập rắn hổ mang: Lòng bàn tay của bạn đặt úp xuống để ở ngang vai hoặc ngực. Tiếp đó đẩy tay để nâng ngực lên khỏi sàn cho đến khi bạn cảm thấy căng ở lưng dưới và hông thì giữ vị trí này trong 10 giây. Rồi lặp lại khoảng 3-5 lần.
- Bài tập nâng cao chân: Người bệnh đứng thẳng, 2 tay để thả lỏng. Đầu tiên co 1 chân lên sau đó lấy tay kéo đầu gối sát vào ngực rồi giữ trong 5 giây sau đó làm với bên còn lại. Thực hiện lặp lại 3-5 lần để thấy được hiệu quả
+ Vật lý trị liệu:
Những bài tập vật lý trị liệu thường giúp tăng cường lưu thông máu, tăng sự vận động của các khớp. Đồng thời nó còn làm cho các cơ bắp xung quanh hông được tăng lên, có thể hỗ trợ cải thiện các cơn đau và phục hồi chức năng khớp háng.
Tuy nhiên, các bài tập này cần có sự hướng dẫn của các bác sĩ có chuyên môn. Điều này sẽ đảm bảo các bài tập mang đến tác dụng tốt, cũng có thể đảm bảo an toàn được cho bệnh nhân. Vì vậy, bạn cần trao đổi kỹ lưỡng với nhà vật lý trị liệu để được hướng dẫn và xây dựng chế độ luyện tập phù hợp. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, nhà vật lý trị liệu sẽ đưa cho bạn kế hoạch luyện tập cụ thể. Các bài tập vật lý trị liệu cho người bệnh thoái hóa khớp háng giúp:
- Kéo căng các cơ quan háng và hông.
- Hỗ trợ cải thiện dáng đi và cân bằng cơ thể.
- Cải thiện các triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp và giảm áp lực lên khớp háng.
🔸 Phẫu thuật
Với trường hợp bị tổn thương khớp nghiêm trọng, các bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân can thiệp bằng cách phẫu thuật. Các phẫu thuật điều trị thoái hóa khớp háng gồm:
Cắt bỏ xương: Thực hiện khi hình thành gai xương và biến dạng khớp để giảm áp lực ở khớp, giảm đau và khôi phục khả năng vận động.
Thay khớp háng bán phần: Đây là thủ thuật thay thế khớp háng nhân tạo. Giải pháp này được chỉ định khi khớp hông bị hư hại một phần xương hoặc sụn bị bào mòn.
Thay thế toàn bộ khớp háng: Sử dụng bộ phận nhân tạo thay thế cho toàn bộ khớp háng bị thoái hóa.
Phẫu thuật thoái hóa khớp háng
Việc phẫu thuật khớp háng giúp người bệnh giảm đau và có thể vận động lại bình thường. Tuy nhiên, cần cẩn trọng vì giải pháp này tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, xuất hiện cục máu đông, mất máu quá nhiều, trật khớp, tổn thương mạch máu, dây chằng,...
Sau khi phẫu thuật, mọi người nên tiến hành phục hồi chức năng sau phẫu thuật càng sớm càng tốt để tăng cơ lực và ngăn ngừa teo cơ ở bên không bị bệnh. Về quá trình phục hồi, các bác sĩ sẽ lên lộ trình chi tiết và có sự hỗ trợ từ các chuyên viên hoạt động trị liệu tại bệnh viện. Khi khớp đã lành hẳn, bạn vẫn cần thực hiện các bài tập vật lý trị liệu và tuyệt đối giữ gìn, không làm việc nặng tạo áp lực lên khớp háng.
Khi bị thoái hóa khớp háng, việc tuân thủ theo các chỉ dẫn của bác sĩ về cách điều trị là vô cùng cần thiết, giúp mang lại hiệu quả cao và phòng ngừa bệnh tốt. Hy vọng với những thông tin trên, chúng tôi đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh lý xương khớp này. Hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để thăm khám ngay khi có triệu chứng đau nhức vùng khớp háng, rất có thể đó là dấu hiệu của thoái hóa khớp háng.
Xem thêm:
Bình luận bài viết
Bài viết có: 0 bình luận