Đau cơ liên sườn là tình trạng đau nhức ở vùng sườn do các cơ xung quanh bị tổn thương và kéo căng. Bệnh có thể kèm theo các triệu chứng mỏi cơ, khó thở. Điều này làm ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động cũng như cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người bệnh.
Đau cơ liên sườn là gì?
Cơ liên sườn là hệ thống cơ nằm giữa các xương sườn và gắn chúng vào nhau. Cơ có ba lớp: Cơ liên sườn trong cùng - Cơ liên sườn trong - Cơ liên sườn ngoài.
Cơ liên sườn có nhiệm vụ ổn định phần trên của cơ thể, hỗ trợ cột sống và hỗ trợ thở. Khi có các tổn thương xảy ra, các cơn đau ở cơ liên sườn có thể xảy ra từ đau nhẹ đến nặng tùy vào nguyên nhân gây nên.
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, đau cơ liên sườn trái hoặc đau cơ liên sườn phải là thuật ngữ dùng để chỉ những cơn đau hình thành do tổn thương hoặc căng cơ. Các cơ bị kéo căng dẫn đến căng thẳng, rách và gây đau.
Đau cơ liên sườn hình thành do tổn thương hoặc căng cơ
Bệnh lý này cần nhiều thời gian để khắc phục. Trong quá trình bị đau, người bệnh sẽ bị hạn chế vận động kèm cảm giác khó chịu, mệt mỏi. Tuy nhiên, điều đáng mừng là có nhiều giải pháp khác nhau để điều trị và bệnh có khả năng được đẩy lùi hoàn toàn.
Nguyên nhân dẫn đến đau cơ liên sườn
Bị đau cơ liên sườn có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số yếu tố tác động điển hình:
Căng cơ: Căng cơ xảy ra do nhiều hoạt động khác nhau như chuyển mình đột ngột, chuyển động lặp đi lặp lại, chấn thương đột ngột, nâng vật khi vặn mình,... Đây là nguyên nhân chủ yếu gây đau cơ liên sườn.
Chấn thương: Các chấn thương xảy ra khi chơi thể thao hoặc lao động có thể khiến lồng ngực bị va đập dẫn đến tổn thương các cơ và đau cơ liên sườn.
Các bệnh lý: Bệnh đau cơ liên sườn có thể bị ảnh hưởng bởi một số bệnh lý như đau dây thần kinh liên sườn, đau xương sườn, gãy xương sườn, đau cột sống,...
Sinh hoạt và vận động không hợp lý: Thường xuyên vận động mạnh, làm việc không đúng tư thế, làm việc quá sức, thức khuya,... là những yếu tố góp phần tăng nguy cơ bị đau cơ liên sườn.
Chế độ dinh dưỡng kém hợp lý: Khi không được nuôi dưỡng, cơ liên sườn dễ bị yếu và tổn thương. Nguyên nhân do người bệnh bổ sung không đủ protein, vitamin và các khoáng chất. Đồng thời, việc uống nhiều rượu bia, thức ăn có cồn và cà phê cũng khiến cơ dễ bị suy yếu và chấn thương hơn.
Tuổi tác: Tuổi càng cao, những tế bào cơ có sự biến đổi và dễ bị viêm đau hơn do vận động nhiều. Đồng thời, các tế bào cơ cũng bị lão hóa do tuổi tác dẫn đến suy giảm chức năng và gây nên tình trạng viêm, đau cơ.
Chấn thương là một trong những nguyên nhân gây đau cơ liên sườn
Triệu chứng đau cơ liên sườn
Bạn có thể nhận biết bệnh đau cơ liên sườn qua một số triệu chứng tiêu biểu dưới đây:
Đau ở một hoặc cả hai bên sườn
Đau phần lưng trên.
Cơn đau âm ỉ kéo dài hoặc đau nhói, đau thành từng cơn.
Đau ở khu vực giữa các cơ liên sườn.
Co thắt cơ liên sườn.
Đau nhiều hơn khi vận động.
Đau khi chạm vào vùng giữa các xương sườn.
Khi nghỉ ngơi, cơn đau giảm dần.
Cơn đau có xu hướng lan sang vùng cơ cạnh sống lưng, nách và trước bụng.
Ngoài ra, một số trường hợp bệnh nhân gặp triệu chứng đau cơ liên sườn khác như có vết bầm tím lan rộng, khó thở và sưng tấy do cơ bị viêm.
Người bệnh nên chủ động đi thăm khám chuyên khoa xương khớp khi có một hoặc nhiều những triệu chứng nêu trên.
Đau là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh
Bệnh đau cơ liên sườn có nguy hiểm không?
Theo đánh giá, đau cơ liên sườn không quá nghiêm trọng và có thể được cải thiện khi áp dụng các biện pháp điều trị. Tuy nhiên, nếu người bệnh chủ quan để bệnh kéo dài, việc chữa lành sẽ trở nên khó khăn hơn. Thậm chí, có thể gây ra nhiều biến chứng bệnh như hạn chế vận động và gây mệt mỏi. Đặc biệt, có nguy cơ khiến vết rách ở cơ bị tăng kích thước, đau mãn tính.
Các bác sĩ chuyên khoa khuyên người bệnh nên điều trị sớm và lựa chọn đúng phương pháp để cải thiện tình hình càng sớm càng tốt.
Giải pháp điều trị bệnh
Có nhiều cách để cải thiện các triệu chứng và đẩy lùi được bệnh đau cơ liên sườn. Dưới đây là một số giải pháp điển hình, cho hiệu quả cao:
Chườm nóng hoặc chườm lạnh
Nếu các triệu chứng mới khởi phát, cơn đau chưa quá nặng, bạn có thể áp dụng liệu pháp chườm nóng hoặc chườm lạnh để giảm viêm, giảm đau cơ liên sườn. Cụ thể:
Chườm nóng: Dùng túi chườm nóng hoặc khăn ấm đặt lên vùng cơ bị đau trong khoảng 15 phút. Hơi ấm giúp kích thích máu lưu thông và giảm đau hiệu quả.
Chườm lạnh: Dùng túi lạnh hoặc túi nước đá bọc trong khăn chườm lên vùng đau cơ khoảng 15 - 20 phút. Cách này giúp giảm sưng, viêm và đau hiệu quả.
Chườm giúp giảm đau và viêm vùng cơ liên sườn
Lưu ý: Khi chườm nóng hoặc chườm lạnh chữa đau cơ liên sườn, người bệnh cần chú ý không dùng đá quá lạnh hoặc nước quá nóng. Điều này có thể dẫn đến bỏng nóng và bỏng lạnh khiến cho vùng chấn thương bị tổn thương nhiều hơn.
Bài tập thở
Trong trường hợp người bệnh bị khó thở, thở nông dễ làm phổi bị nhiễm trùng và viêm. Do đó, mọi người có thể tham khảo và thực hiện các bài tập thở để cải thiện cơn đau. Đồng thời, đây cũng là cách giúp giảm căng thẳng, giảm căng cơ và duy trì hoạt động của các cơ quan.
Hướng dẫn bài tập thở như sau:
Giữ một chiếc gối áp vào các cơ liên sườn bị đau.
Hít vào từ từ và sâu.
Giữ hơi thở trong vài giây.
Từ từ thở ra.
Lặp lại động tác khoảng 10 lần.
Tập thở trong vài phút mỗi giờ.
Dùng thuốc Tây điều trị
Tùy vào mức độ bệnh, các bác sĩ có thể kê một số loại thuốc sau để cải thiện tình trạng bệnh đau cơ liên sườn:
Acetaminophen: Là thuốc giảm đau không được kê đơn, có thể dùng cho bệnh nhân bị đau nhẹ và có thể kiểm soát được. Thường chỉ cần từ 1 - 2 liều dùng, người bệnh đã cảm nhận được hiệu quả.
Thuốc chống viêm không steroid: Nhóm thuốc này giúp loại trừ các cơn đau và kháng viêm. Thuốc cần được dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa nhằm tránh tác dụng phụ.
Thuốc giảm đau giãn cơ: Trường hợp đau nhiều do căng và cứng cơ liên sườn, thuốc giãn cơ có tác dụng giảm đau và cứng cơ hiệu quả.
Tiêm corticosteroid hoặc lidocain: Nếu bệnh trở nặng và không giảm khi đã dùng các loại thuốc nêu trên, người bệnh có thể tiêm corticosteroid hoặc lidocain. Thuốc này giúp giảm đau và sưng nhanh, duy trì hiệu quả tương đối dài.
Thuốc tây điều trị đau cơ liên sườn nên được bác sĩ kê đơn
Vật lý trị liệu
Điều trị đau cơ liên sườn bằng giải pháp trị liệu cho hiệu quả cao. Đó có thể là bài tập kéo căng cơ hoặc bài tập thở. Các bài này giúp tăng cường cơ liên sườn, giảm đau và thư giãn, tăng độ linh hoạt cho cơ.
Khi lựa chọn vật lý trị liệu, bạn nên chọn cơ sở cung cấp dịch vụ uy tín và thực hiện bởi bác sĩ, chuyên gia có tay nghề cao. Nếu làm sai động tác có thể gây chấn thương hoặc phản tác dụng.
Phòng ngừa đau cơ liên sườn
Các chuyên gia khuyên mọi người có thể áp dụng một số cách sau để ngăn ngừa bệnh đau cơ liên sườn:
KHởi động và kéo căng cơ trước khi thực hiện vận động mạnh, chơi thể thao.
Không nên vận động quá mạnh hoặc đột ngột vặn thân người.
Không lạm dụng cơ liên sườn để làm việc nặng.
Giữ cơ bắp khỏe mạnh bằng cách xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học thông qua việc bổ sung chất cần thiết như magie, canxi, sắt,...
Ngủ đủ giấc để cơ được nghỉ ngơi và thư giãn, phục hồi.
Luyện tập những bài tập kéo giãn nhẹ nhàng tại nhà như bơi lội, yoga,...
Đau cơ liên sườn không nghiêm trọng và có thể chữa trị được nếu can thiệp kịp thời. Vậy nên nếu có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh, bạn hãy nhanh chóng đi thăm khám và điều trị để cải thiện tình trạng tốt nhất.
Xem thêm:
Bình luận bài viết
Bài viết có: 0 bình luận