Đau đốt sống cổ là bệnh lý không quá xa lạ với nhiều người, đặc biệt là đối tượng người cao tuổi. Tình trạng đau nhức tại cột sống cổ gây ra nhiều bất tiện trong quá trình sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Việc nắm bắt được nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục tình trạng này là rất cần thiết để hạn chế những biến chứng bệnh có thể hình thành.
Bị đau đốt sống cổ là gì?
Trong hệ thống xương khớp của con người, đốt sống cổ nắm vai trò trung chuyển thông tin giữa não bộ và các bộ phận khác. Mỗi người có đến 7 đốt sống cổ, ký hiệu từ C1 đến C7. Từ đốt sống cổ C2 đến C7, ở giữa mỗi đốt có một đĩa đệm được cấu tạo bởi mâm sụn, nhân nhầy và vòng sợi. Ở xung quanh đốt sống cổ là các gân cơ và dây chằng.
Tình trạng đau đốt sống cổ gây đau nhức ở vùng vai gáy kèm theo cảm giác co cứng. Nó khiến cho khả năng vận động khi quay cổ hoặc quay đầu bị hạn chế.
Đau đốt sống cổ gây đau và co cứng ở vùng cổ
Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện vào buổi sáng hay còn được gọi là đau đốt sống cổ sau khi ngủ dậy. Người bệnh vận động nhẹ nhàng khoảng 15 - 20 phút cảm giác cơ cứng sẽ đỡ dần.
Bất cứ ai cũng có thể bị đau đốt sống cổ. Tuy nhiên, theo khảo sát, tỷ lệ người trung niên và cao tuổi mắc cao hơn do quá trình lão hóa tự nhiên của tuổi tác.
Nhận biết đau đốt sống cổ
Người bị đau đốt sống cổ có thể nhận biết qua một số dấu hiệu dưới đây:
Đau ở vùng cổ vai gáy gây cảm giác khó chịu.
Tình trạng đau tăng lên khi đứng lên, đi lại hoặc ngồi lâu, vận động cột sống cổ.
Khi thời tiết thay đổi, cảm giác đau nhức cũng tăng lên đáng kể.
Triệu chứng đau nhức lan xuống vùng bả vai khiến cánh tay, cẳng tay và ngón tay bị tê mỏi khó chịu. Với trường hợp nặng, chỉ cần sờ vào cũng cảm thấy tê cứng hoặc đi lại nhẹ nhàng cũng có thể thấy đau.
Đau nhức khó chịu là biểu hiện điển hình của bệnh lý đau đốt sống cổ
Nói chung, ngay khi thấy có biểu hiện đau nhức ở vùng này, mọi người nên nghĩ ngay đến trường hợp bị đau đốt sống cổ. Theo đó, bạn nên tiến hành đến các địa chỉ thăm khám uy tín để đánh giá tình hình và có biện pháp can thiệp điều trị kịp thời nhằm hạn chế những ảnh hưởng đến sinh hoạt, tinh thần và sức khỏe.
Nguyên nhân đau đốt sống cổ là gì?
Theo các chuyên gia xương khớp, hiện chưa có bất kỳ nghiên cứu nào chứng minh được chính xác nguyên nhân gây nên tình trạng đau đốt sống cổ. Tuy nhiên, các yếu tố nguy cơ được chia làm hai nhóm chính:
Nguyên nhân bệnh lý
Nếu bạn đang gặp phải một trong những bệnh lý dưới đây, rất có thể chính là nguyên nhân khiến cho đốt sống cổ bị đau nhức khó chịu:
Thoái hóa đốt sống cổ: Đây là quá trình lão hóa tự nhiên của xương khớp theo tuổi tác. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tình trạng thoái hóa đốt sống cổ đang có xu hướng trẻ hóa.
Vôi hóa/gai đốt sống cổ: Hai bệnh lý này được xếp vào một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đau cột sống cổ.
Thoát vị đĩa đệm: Khi bị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức ở các vùng cơ. Khi bước vào giai đoạn nặng, người bệnh sẽ cảm thấy đau tê lan xuống vai, cánh tay. Một số trường hợp có thể thấy chóng mặt, đau đầu,...
Nguyên nhân khác
Ngoài các bệnh lý kể trên, một số yếu tố dưới đây cũng góp phần làm tăng nguy cơ bị đau đốt sống cổ:
Tuổi tác: Tuổi càng cao, tốc độ thoái hóa của xương khớp càng nhanh nên có thể dẫn tới hiện tượng đau nhức vùng đốt sống cổ.
Chấn thương: Những chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động,... ở vùng đốt sống cổ có thể gây đau nhức khó chịu.
Thừa cân, béo phì: Cân nặng quá khổ sẽ tạo áp lực trọng lượng lớn lên cơ thể, lúc này đốt sống cổ cũng sẽ bị suy yếu và thoái hóa dần.
Yếu tố di truyền: Theo khảo sát, những người có ông bà, cha mẹ từng bị đau đốt sống cổ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn người bình thường.
Ít vận động: Thường xuyên ngồi một chỗ quá lâu, không thường xuyên vận động vùng cổ có thể khiến đốt sống cổ bị co cứng, gây đau.
Do tính chất công việc: Những người thường xuyên bê vác đồ nặng lên vai, xoay chuyển cổ quá nhiều,... dễ bị đau đốt sống cổ.
Tuổi tác là một trong những nguyên nhân chính gây đau đốt sống cổ
Đau đốt sống cổ có nguy hiểm không?
Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, đau đốt sống cổ có thể phát sinh ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
Chèn ép dây thần kinh: Đốt sống cổ có thể gây thoát vị đĩa đệm, mọc gai xương làm chèn ép rễ thần kinh và các dây thần kinh xung quanh.
Gây hẹp ống sống: Đau đốt sống cổ lâu có thể làm biến dạng và chèn ép vào tủy sống, làm hẹp ống sống. Một số trường hợp nặng có thể kèm theo cảm giác khó thở, rối loạn đại tiểu tiện, táo bón.
Gây bại liệt chi: Cơn đau lan xuống tay, chân có thể gây bại liệt, người bệnh mất đi khả năng đi lại hoàn toàn.
Giải pháp điều trị
Tùy thuộc vào mức độ đau đốt sống cổ, các bác sĩ sẽ có những tư vấn về phương pháp điều trị phù hợp giúp giảm đau, ngăn ngừa những tổn thương nghiêm trọng. Các giải pháp phổ biến thường được áp dụng là:
Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa sẽ sử dụng các loại thuốc có chức năng giảm đau nhức như:
Thuốc chống viêm, giảm đau không steroid: Nhóm thuốc này hỗ trợ giảm đau hiệu quả, phù hợp với cả tình trạng viêm khớp.
Thuốc giãn cơ: Giảm sự co cơ, hỗ trợ giảm đau đốt sống cổ hiệu quả.
Thuốc chống động kinh: Giúp giảm cơn đau do dây thần kinh bị tổn thương.
Thuốc corticosteroid: Được chỉ định cho trường hợp đau đốt sống cổ ở mức nghiêm trọng.
Có nhiều loại thuốc hỗ trợ giảm đau đốt sống cổ hiệu quả
Vật lý trị liệu
Các phương pháp trị liệu như kéo dãn, xoa bóp, điện phân dẫn thuốc,... cho tác dụng giảm đau đốt sống cổ hiệu quả. Ngoài ra, các cách này còn giúp tăng cường sức mạnh ở cổ và vai.
Nếu bạn muốn trị liệu nên tìm đến các địa chỉ cung cấp dịch vụ uy tín, được thực hiện bởi chuyên gia có chuyên môn cao để tránh bị tổn thương.
Phẫu thuật
Với những trường hợp có biểu hiện bị chèn ép rễ thần kinh hoặc tủy sống cổ tiến triển nặng, các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật nếu điều trị nội khoa không đỡ. Cách này giúp giải phóng cự chèn ép cho tủy sống và thần kinh do đau đốt sống cổ gây ra.
Hiện có các phương pháp phẫu thuật phổ biến là:
Loại bỏ đĩa đệm bị thoát vị hoặc xương cổ bị tổn thương.
Loại bỏ đốt sống cổ bị thoái hóa.
Ghép xương vào phần cứng để hợp nhất với đốt sống cổ.
Phẫu thuật là phương pháp cuối cùng có thể áp dụng để đẩy lùi đau đốt sống cổ
Biện pháp phòng ngừa bệnh
Nếu bạn không muốn bị đau đốt sống cổ, có thể phòng ngừa bằng một số cách sau:
Không nên làm việc quá sức ở vùng cổ, dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn vùng đốt sống cổ.
Không nên ngồi một tư thế quá lâu. Trong quá trình ngồi làm việc, nên thường xuyên đứng dậy đi lại, vươn vai, thay đổi tư thế ngồi.
Hạn chế bê vác đồ nặng làm ảnh hưởng đến đốt sống cổ.
Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho hệ xương khớp như canxi, protein, omega-3,...
Tập luyện thể dục thể thao đều đặn. Tuy nhiên, khi tập chỉ nên tập những động tác nhẹ nhàng, tránh tác động mạnh hoặc đột ngột lên đốt sống cổ.
Đau đốt sống cổ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tinh thần và chất lượng cuộc sống người bệnh. Thậm chí, nếu không can thiệp điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Hy vọng những thông tin trên hữu ích với bạn trong việc tìm hiểu và nắm về kiến thức bệnh.
Xem thêm:
Bình luận bài viết
Bài viết có: 0 bình luận