Giãn dây chằng đầu gối là tình trạng thường gặp trong quá trình vận động, khi phần xương khớp phải chịu một lực tác động lớn, dây chằng bị giãn ra, đây đau đớn, khó vận động. Vậy bạn đã hiểu rõ về căn bệnh này? Hãy xem hết bài viết dưới đây để có những thông tin chính xác.
Giãn dây chằng đầu gối là bệnh gì?
Trong cấu tạo của đầu gối có bộ phận dây chằng - là một dải mô có tính đàn hồi cao, có nhiệm vụ nối xương đùi với xương cẳng chân. Không chỉ giữ vai trò quan trọng là cầu nối, dây chằng có giúp phần tạo sức mạnh, sự ổn định của các cơ khớp. Vùng đầu gối là nơi dễ bị tổn thương, chịu ảnh hưởng của quá trình vận động, nhất là bộ phận dây chằng.
Khi bị giãn dây chằng, người bệnh có thể lần tưởng đến căng cơ - cùng chung nguyên lý là dây chằng bị kéo căng quá mức, rách mô. 2 bệnh này khác nhau ở chỗ:
Căng cơ: Dải mô nối giữa cơ và xương chịu tổn thương
Giãn dây chằng đầu gối: Dải mô nối hai xương bị tổn thương
Những trường hợp có thể thường gặp:
Giãn dây chằng chéo trước.
Giãn dây chằng chéo sau.
Giãn dây chằng giữa gối.
Giãn dây chằng bên.
Nguyên nhân gây bệnh giãn dây chằng đầu gối
Các chuyên gia xương khớp chỉ ra rằng có đến 70% gây ra tình trạng giãn dây chằng đầu gối là do vận động. Đối tượng dễ mắc bệnh nhất là các vận động viên hoạt động thể dục với cường độ mạnh như: bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, đấu vật, chạy marathon,....
Giãn dây chằng chéo trước: Những người thường xảy ra va chạm trực tiếp ở vùng đầu gối (tai nạn ngã đập gối), đang chạy thì dừng hoặc chuyển hướng bất ngờ khi bàn chân vẫn giữ nguyên tư thế hướng thẳng (Vận động viên bóng đá, bóng chuyền,..)
Giãn dây chằng chéo sau: Thường xảy ra khi cơ thể bất ngờ ngã khụy gối như xe phanh gấp, dừng đột ngột, trượt tuyết,...
Giãn dây chằng giữa gối: Có một lực rất mạnh tác động đột ngột, khiến vùng khớp gối bị cong, mặt bên trong phải mở rộng để lấy diện tích dẫn đến tổn thương cơ quan dây chằng. Vận động viên bóng đá thường gặp nhất.
Giãn dây chằng bên: Vùng gối chịu tổn thương, mở rộng quá mức khiến dây chằng tổn thương. Trường hợp này khá ít gặp phải, nhưng nếu bị thì khó chữa và không điều trị được hoàn toàn.
Hình ảnh dây chằng đầu gối
Triệu chứng và mức độ nhận biết giãn dây chằng đầu gối
Những dấu hiệu và mức độ của giãn dây chằng được chia làm 3 cấp độ sau:
Mức độ 1 (Nhẹ): Dây chằng chịu sức kéo quá mức trong thời gian ngắn hoặc rách nhẹ. Người bệnh chỉ cảm thấy đau, sưng hoặc thâm tím mờ. Chân bị thương vẫn có thể đi lại, đứng trụ bình thường, không ảnh hưởng đến việc gập gối.
Mức độ 2 (Trung bình): Dây chằng bị kéo giãn đến mức rách, vết rách vừa phải. Dấu hiệu nhận biết bao gồm sưng đỏ, đau, cảm thấy đau đớn và khó khăn khi trụ 1 bên chân hoặc gập gối.
Mức độ 3 ( Nặng): Dây chằng chịu tổn thương lớn, đứt hoặc rách. Người bệnh sẽ cảm thấy đau đớn dữ dội, đầu gối sưng đau, bầm tím và chảy máu (có thể cả trong lẫn ngoài), không thể trụ được chân hay hoạt động đầu gối.
Những triệu chứng phổ biến dễ nhận biết bao gồm:
Ngay khi trật khớp gối, có thể nghe thấy tiếng “bốp” nhẹ, cảm giác đau điếng người thoáng qua
Đầu gối đau âm ỉ hoặc dữ dội
Đầu gối sưng tấy, bầm tím
Khả năng vận động của khớp gối bị hạn chế
Các khớp chân lỏng lẻo, đi dễ ngã, cảm giác khó trụ vững
Bệnh giãn dây chằng đầu gối có nguy hiểm không
Giãn dây chằng tuy là một bệnh lý phổ biến, rất dễ gặp phải nhưng lại khó chữa và có thể để lại những di chứng nặng nề về vận động như:
Sụn chêm bị tổn thương: Khi sụn chêm chịu những tác động và tổn thương, sẽ mất khả năng trơn nhẵn, xuất hiện các vết rãnh vỡ, trong quá trình vận động sinh ma sát, gây đau đớn.
Thoái hóa khớp: Nếu giãn dây chằng gối kéo dài lâu không điều trị, phần xương sụn ở khoang trong, khoang ngoài và bánh chè sẽ bị bào mòn, gây thoái hóa và cản trở khả năng vận động
Giãn dây chằng đầu gối có tự khỏi được không?
Câu trả lời là có hoặc không.
Có: Khi tình trạng giãn ở mức độ nhẹ, người bệnh chỉ cần 3 đến 4 tuần sẽ có thể vận động linh hoạt như bình thường. Trường hợp nặng hơn có thể cần đến 2 tháng hoặc hơn để bình phục
Không: Nếu tình trạng bệnh không được điều trị đúng cách , phần sụn chêm sưng to, rất khó để quay về trạng thái ban đầu.
Việc tự khỏi, ngăn ngừa những biến chứng về sau sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giải pháp chữa trị, chế độ ăn uống, tập luyện, vận động mỗi ngày.
Những phương pháp chẩn đoán
Hiện nay với y học phát triển, người bệnh nếu nghi ngờ bị giãn dây chằng, có thể đến các cơ sở y tế để chữa trị. Tại đây, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện những phương pháp chẩn đoán sau:
Khám lâm sàng: Bác sĩ xương khớp sẽ hỏi thăm cơ bản về tình trạng như mức độ đau, tình huống tổn thương, biên độ vận động, khả năng linh hoạt của xương … để nhận định chính xác có phải bị giãn dây chằng khớp gối không.
Chẩn đoán hình ảnh: Phổ biến nhất là chụp X-quang. Chuyên gia sẽ nhìn vào đó để các định vùng khớp gối chịu tổn thương, như có gãy, nứt, giãn không. Bên cạnh đó là các biện pháp như siêu âm, nội soi khớp, chụp cộng hưởng MRI
Cách điều trị giãn dây chằng đầu gối
Khi phát hiện hoặc cảm thấy bản thân có nguy cơ bị giãn dây chằng cơ gối, người bệnh đừng chủ quan. Nếu theo dõi tại nhà sau 2 ngày các vết sưng đỏ, đau đớn không giảm, hãy đến ngay các cơ sở y tế để được hỗ trợ kịp thời. Nếu có cơ hội, có thể ngay sau chấn thương hãy nhờ chuyên gia xương khớp giải quyết, tránh việc bỏ qua thời điểm vàng phục hồi:
Khi mới chấn thương
Thời điểm này là thời điểm vàng để điều trị. Tuy nhiên người bệnh khó để xác định mức độ tổn thương, ngoài cảm giác đau đớn và khó vận động. Có thể thực hiện sơ cứu bằng cách:
Sau khi vùng khớp gối chịu chấn thương, cần hạn chế vận động, tốt nhất là bất động một chỗ, chờ sự giúp đỡ của người có chuyên môn.
Cách 2 - 3 tiếng chườm đá 1 lần, mỗi lần kéo dài 20 đến 30 phút: Việc này giúp các mạch máu co lại, giảm áp lực lên các sợi thần kinh quanh khớp gối, tê liệt tạm thời, giảm đau và giảm viêm.
Sử dụng nẹp, nẹp cố định vùng khớp gối bị tổn thương, giảm tình trạng xuất huyết trong và sự ma sát của khớp.
Nằm kê vùng chân bị thương lên cao, giúp máu huyết lưu thông về tim dễ dàng, giảm đau phù nề.
Không nên chủ quan, sử dụng những mẹo dân gian như đắp rượu, cồn, lá thảo dược,... Những phương pháp này hầu hết chưa được kiểm chứng, có thể khiến tổn thương nghiêm trọng hơn, nhiễm trùng, gây những biến chứng khác.
Lưu ý: Đá cần được bọc trong túi chuyên dụng, TUYỆT ĐỐI không chườm lên trực tiếp vùng da bị tổn thương. Không chườm nóng hoặc sử dụng các giải pháp làm ấm, điều này nhiều người thường hay mắc phải, sẽ khiến đầu gối sưng lên, đau đớn hơn, căng cơ,...
Điều trị bảo tồn
Nếu người bệnh bị đau khớp gối dữ dội, có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau kháng viêm có tác dụng nhanh. Tuy nhiên, cần sử dụng thuốc cho bác sĩ kê đơn, dùng đúng liều lượng, tránh việc tự ý dùng thuốc gây tác dụng phụ, nhờn thuốc.
Việc giãn dây chằng ở đầu gối không thể chỉ giải quyết bằng việc uống thuốc. Giải pháp tốt nhất là phương pháp vật lý trị liệu và tập luyện tăng khả năng sức mạnh cho nhóm cơ chi dưới.
Tùy vào mức độ giãn của dây chằng mà chuyên gia xương khớp sẽ đưa ra phác đồ phù hợp:
Bài tập trị liệu: Tác dụng giúp tăng độ bền, sự dẻo dai và sức bền của khớp gối, hạn chế tình trạng teo cơ. Mỗi người bệnh sẽ có một phác đồ riêng, tác động phù hợp với mức độ tổn thương dây chằng gối.
Trị liệu bằng laser thế hệ 4: Tác động sâu vào mô xương khớp gối, tái tạo lại tế bào và cải thiện tuần hoàn máu.
Sóng xung kích Shockwave: Kích thích những điểm đau, mô cơ xương và vùng dây chằng bị giãn, giảm đau và phục hồi khả năng vận động.
Bài tập phục hồi
Bài tập này thường chỉ có tác dụng với dây chằng bị giãn ở mức độ nhẹ. Các bài tập giúp cải thiện chức năng và cấu trúc ổ khớp, tăng sự dẻo dai linh hoạt, phục hồi chức năng vận động , giảm nhẹ các triệu chứng do giãn dây chằng gây ra.
Một số bài tập tham khảo: Co gối (ngày 3 đến 5 lần, mỗi lần 30 giây); tập duỗi gối tự động (mỗi lần 20 giây, lặp lại 5 đến 10 lần), tập cơ tứ đầu, bài tập nhón chân,...
Lưu ý: Người bệnh chỉ nên tập vừa sức, không nên nén đau tập quá mức, đẩy nhanh tiến độ. Những việc này sẽ gây phản tác dụng, làm đau và dây chằng giãn nhiều hơn.
Phẫu thuật
Đây là giải pháp cuối cùng, khi tình trạng dây chằng giãn quá mức, điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhưng không đạt hiệu quả như mong muốn.
Trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ dựa vào các kết quả chẩn đoán (X- quang hoặc MRI), kiểm tra sự lỏng của khớp gối, sau đó đưa ra phương án tái tạo dây chằng.
Hiện khoa học có 3 giải pháp để tái tạo dây chằng khớp gối là: Chất liệu tự thân (của chính người bệnh), Mẫu đồng loại ( của người khác hiến tặng), Vật liệu tổng hợp.
Tuy nhiên, phẫu thuật chỉ là giải pháp cuối cùng, bởi nó tiềm ẩn rất nhiều những hệ quả nguy hiểm như: Nhiễm khuẩn, khớp mất hoặc bị hạn chế khả năng vận động,... Thời gian bình phục lâu, nếu không có phương pháp tập luyện hậu phẫu đúng, có thể gây tình trạng liệt, tràn dịch khớp,...
Biện pháp phòng ngừa
Mặc dù giãn dây chằng đầu gối thường gặp do tai nạn không thể phòng tránh được. Nhưng có một số mẹo giúp bạn giảm thấp nhất khả năng bị chấn thương như sau:
Tránh hoặc không tập thể dục quá mức khi cơ thể đang mệt mỏi. Cơ thể rất dễ đuối sức, giảm vận động và có thể xảy ra chấn thương.
Ổn định và kiểm soát tốt cân nặng
Tập những động tác giãn cơ trước và sau khi hoạt động thể thao
Sử dụng giày vừa với bàn chân, không quá rộng hoặc chật
Trên đây là toàn bộ những nội dung bạn đọc cần biết về bệnh giãn dây chằng đầu gối . Hi vọng Khương Thảo Đan đã giúp bạn có cái nhìn chính xác về bệnh, sớm có những phương pháp điều trị kịp thời, tránh những biến chứng về sau.
Xem thêm:
Bình luận bài viết
Bài viết có: 0 bình luận